Đề thi THPT quốc gia chưa đánh giá được năng lực học sinh - Thời sự 5 giờ 30 17/07/2018

(VOH) - Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 đã khép lại, nhưng dư âm về kỳ thi, về mức độ phân hoá của đề thi vẫn là một nỗi trăn trở của bao người làm công tác giáo dục.

Đề thi trung học phổ thông Quốc gia vừa qua được xã hội ghi nhận ra sao? Việc đổi mới công tác ra đề cần thực hiện theo hướng nào để có thể đáp ứng được tiêu chí của kỳ thi 2 trong 1? Những vấn đề sẽ được đề cập, phân tích trong Toạ đàm "Hướng đi nào cho đề thi THPT quốc gia" với sự tham gia của 3 khách mời: Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM; Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du; Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft.

*VOH: Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã khép lại, nhưng dư âm về kỳ thi, về mức độ phân hoá của đề thi vẫn là một nỗi trăn trở của bao người làm công tác giáo dục, là nỗi lo lắng của bao thí sinh trong kỳ thi năm nay và cả những năm tiếp theo. Nhiều ý kiến đồng tình, nhưng trái chiều cũng không ít với đề thi THPT Quốc gia 2018. Đề thi quá dài và khó, thí sinh cần được rèn luyện khả năng giải đề mới làm tốt bài thi. Với góc độ trường phổ thông, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du có những đánh giá gì đề thi năm nay?

- Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du: Tôi cho rằng nếu đề khó hay đề dễ là cái chung. Tuy nhiên, cấp độ khó của chúng ta ở đây không khơi nguồn được cảm hứng sáng tạo của học sinh, mà chúng ta đưa một lượng kiến thức cực khó  để hi vọng rằng điểm số của các em được gạn lọc ở điểm 9,10, để phân hoá. Điều này chưa khoa học và chưa thấy được sự nâng cao của học sinh là sử dụng kiến thức để giải quyết một vấn đề phức tạp như thế nào. Tôi hi vọng những năm sau đề thi sẽ khắc phục điểm này. 

*VOH: Thực tế đề thi quá dài và khó dẫn đến tình trạng một số em biết cách giải nhưng không có đủ thời gian để làm bài, trong khi đó sẽ có những em không biết cách giải và đánh "lụi". Như vậy là không công bằng và không đánh giá chính xác được năng lực của thí sinh. Ông Phạm Thái Sơn ý kiến như thế nào về tình trạng này?  

- Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Bất kỳ cuộc thi nào cũng có yếu tố may rủi. Với việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia bằng hình thức trắc nghiệm trên số lượng khá đông, 1 triệu thí sinh, số lượng câu hỏi của các đề thi khá nhiều, có thể tin tưởng yếu tố may rủi không tác động nhiều lắm đến tổng thể.

Tuy nhiên, hiện tại trong khâu đánh giá học sinh, chúng ta chỉ mới dừng ở đánh giá các em qua các mức trung bình - yếu- kém- khá- giỏi. Để đánh giá những năng lực cụ thể hơn, theo các thang đo năng lực mà chương trình trung học học phổ thông mới ban hành thì đề thi không thể tiếp cận được. 

*VOH: Đề thi nặng về kiến thức như năm nay sẽ có những tác động, chi phối như thế nào đến đến quá trình dạy học?

- Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft: Giáo dục Việt Nam có truyền thống thi gì dạy nấy. Vì vậy, cách ra đề sẽ quyết định cách chúng ta giảng dạy. Trong phân bổ đề thi, Bộ GD&ĐT quy định 60% là câu hỏi cơ bản, 40% nâng cao. Thế thì, như thế nào là nâng cao khi Bộ chỉ đưa ra quy định câu hỏi dạng ghi nhớ, câu hỏi dạng thông hiểu, dạng vận dụng thấp và vận dụng cao. Vận dụng thấp và vận dụng cao được đánh giá là tư duy bậc cao, nhưng thực ra đây chưa phải là tư duy bậc cao.

Theo Bloom, một thang bậc nhận thức giảng dạy của giáo dục và của con người, bậc 1 là ghi nhớ, bậc 2 là thông hiểu, bậc 3 là vận dụng, bậc 4 là phân tích, bậc 5 là tổng hợp và bậc 6 là đánh giá. Như vậy, 3 bậc trên: phân tích, tổng hợp và đánh giá mới gọi là tư duy bậc cao. Ở đây, chúng ta mới là vận dụng thấp. Trường hợp 15 câu Toán cuối cùng nếu cho là vận dụng cao, tôi chưa cho rằng đó là vận dụng bậc cao, mà chỉ là 15 câu đánh đố. Chúng ta cần xem xét định hướng ra đề đã ổn chưa hơn là nội dung, câu chữ trong đề.

* VOH: Đánh giá đề thi năm nay nhiều giáo viên cho rằng thí sinh phải được rèn luyện cách giải đề, kỹ năng nhận biết, đọc đề. Vì vậy, nhiều người lo ngại, tình trạng dạy thêm học thêm, luyện thi, giải đề sẽ có khả năng bùng phát trong những năm học tới. Ông Huỳnh Thanh Phú nghĩ sao về nhận định này?

- Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du: Việc dạy thêm học thêm để tranh một suất vào đại học là một nhu cầu của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, xã hội hôm nay mỗi gia đình ít con nên việc đầu tư cho con cái vào đại học lại là một nhu cầu khao khát. Vì vậy, dù đề thi dễ hay khó, phụ huynh vẫn mong muốn con được vào đại học và các cháu cần luyện tập để làm bài thi tốt. Trong 2 năm qua, thành phố kiểm soát vấn đề dạy thêm học thêm tốt chứ không cấm. Quy trình chặt chẽ hơn, chứ nhu cầu vẫn tồn tại.  

-Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Kỳ thi THPT Quốc gia phần lớn phục vụ cho mục đích xét vào đại học. Ở các thành phố lớn nhu cầu  này không phát sinh nhiều. Nhưng đối với các tỉnh, có thể phụ huynh nghĩ rằng thành phố hoặc các vùng trung tâm sẽ có chất lượng tốt hơn nên nảy sinh nhu cầu cho con em đi ôn thi.

* VOH: Ở khía cạnh học sinh phổ thông, bài thi tốt nghiệp với điểm số thấp chỉ ở mức 4-5-6, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý học sinh?

- Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du: Chắc chắn một điều, đi thi mà làm bài thi điểm thấp thì không vui. Tâm lý học sinh không vui thì sự kỳ vọng của gia đình cũng không vui. Sâu xa hơn, sẽ gây một thách thức, một áp lực rất lớn cho học sinh lớp 12 của năm học sau. Nhìn đó, các em sẽ lo nhiều hơn, không biết đề thi năm nay sẽ như thế nào. Và nó đặt ra một thách thức rất lớn cho người thầy vì cách ra đề sẽ quyết định cách dạy. Sẽ là một chuỗi tâm lý cho năm nay và cho cả năm sau.

- Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft: Nếu tôi có thể tác động đến việc thi cử, tôi mong muốn việc thi cử nhẹ nhàng hơn. Ví dụ, chúng ta sẽ sàng lọc trước để những em không đủ khả năng vào đại học sẽ có nghề nghiệp, ngay từ lớp 9-10 là được học nghề rồi, để giảm bớt gánh nặng thi cử. Thay vì 100.000 học sinh đi thi, thì chỉ còn khoảng 50.000 thôi thì xã hội đỡ tốn kém, các em đỡ mất thời gian phải cố gắng nỗ lực cho một mục tiêu mà các em không đạt được.

Nên chăng, chúng ta có những bước định hướng nghề nghiệp cho các em thật tốt, từ rất sớm, chứ không phải vào đại học là con đường tốt nhất, là ước mơ lớn nhất đời người. Chúng ta có những cách thông minh khác nhau và những cách thành công khác nhau. Einstein có một câu nói: nếu bạn bắt một con cá phải biết leo cây, thì con cá suốt đời sẽ nghĩ nó là kẻ kém cỏi.

* VOH: Các ý kiến chuyên gia đều thống nhất rằng việc đưa một lượng kiến thức khó nhằm phân hoá thí sinh không phải là lựa chọn phù hợp với yêu cầu và mục đích của giáo dục hiện đại.

Dạng đề thi này chưa đánh giá được năng lực của người học, điều cần thiết, quyết định chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực.

Tuyết Nhung

Bình luận

Đọc Báo