Đặc khu – Đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh - Thời sự 11g ngày 8/6/2018

(VOH) - Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hay còn gọi là đặc khu kinh tế là vấn đề đặc biệt lớn, mới và khó nên phải làm thận trọng từng bước.

Đặc khu kinh tế được kỳ vọng sẽ đem lại những đột phá mới trong phát triển kinh tế, góp phần phát triển đất nước.

Những ngày qua, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm là thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm dù rằng đây là trường hợp đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, vốn rất lớn, phải được Thủ tướng quyết định và vấn đề an ninh quốc gia. Có lập luận rằng, các công ty công nghệ cao không cần đến 99 năm vì tuổi đời của công nghệ rất ngắn, chỉ các nhà đầu tư bất động sản hoặc đầu cơ mới cần thời gian dài như vậy.

Dư luận đặt vấn đề, ba đặc khu này đều nằm ở vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh quốc gia. 99 năm sau thì hệ lụy gì sẽ xảy ra? Hệ lụy đó có được tiên liệu và giải pháp ngăn chặn thế nào.

 Sự quan tâm đó xuất phát từ tinh thần yêu nước, sự trường tồn của quốc gia. Tại nghị trường Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV, đại biểu quốc hội trình bày ý kiến, tâm nguyện của cử tri và tranh luận đầy trách nhiệm. Khi thảo luận về dự luật này, các đại biểu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu đãi thuế trong các lĩnh vực nhạy cảm như casino hay thẩm quyền giao đất đến 99 năm, vấn đề an ninh quốc gia.

Qua góp ý của nhân dân, đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã nhanh chóng ghi nhận để điều chỉnh, hướng tới một đạo luật góp phần cho đất nước phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giữ vững độc lập, chủ quyền và đảm bảo phát triển lâu dài.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm qua 7/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân sỹ, trí thức trên cả nước để trình Quốc hội theo hướng điều chỉnh giảm thời hạn cho thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, còn xuống bao nhiêu năm thì Quốc hội sẽ xem xét.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng có rất nhiều người hiểu lầm, hiểu sai một cách đáng tiếc về việc cho thuê đất ở đặc khu. Bởi đây là đất thuê theo quy trình, chứ không phải giao vĩnh viễn, nhượng tô, nhượng địa. Việc cho thuê đất được thực hiện theo quy trình và hàng năm Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân giá thuê đất. Ngoài ra, cơ cấu nhà đầu tư được tính toán phù hợp từng quốc gia, quy định một tỷ lệ cần thiết và không để một nước nào chi phối. Vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia phải gắn liền với nhau trong xây dựng đặc khu kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, cách đây 76 năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển thành công các mô hình đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính với chính sách mở, ưu đãi và thông thoáng. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Vị trí là yếu tố quyết định sống còn tới sự thành công của những đặc khu.

Do vậy, yêu cầu tiên quyết là những đặc khu này phải được xây dựng tại nơi có vị trí địa kinh tế chiến lược như gần cảng biển quốc tế, các tuyến giao thông quan trọng, kết nối dễ dàng với khu vực và quốc tế. Cũng theo đó, cho thuê đất 99 năm đã có nhiều nước áp dụng như Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, quần đảo Virgin thuộc Anh... Tuy nhiên, trong thực tế bên cạnh một số nước xây dựng thành công mô hình đặc khu thì cũng có những nước chưa thành công. Vì vậy để có thể cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay thì thể chế, môi trường đầu tư phải tốt. Các chính sách này tạo ra sự thuận lợi cho nhà đầu tư.

Trước yêu cầu đổi mới để phát triển đất nước và xu hướng phát triển quốc tế, Đại hội VIII, IX và XII của Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội về đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Nghị quyết số 11 ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nêu: “Xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”. Hiến pháp năm 2013 đã quy định mang tính nguyên tắc về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Theo đó, quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Theo Thông báo số 21 ngày 22/3/2017 Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), đề án xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là đề án lớn, có nhiều vấn đề mới và khó, nhưng đã được trình bày cụ thể, rõ ràng. Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước, vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Theo Bộ Chính trị, ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển, tái cơ cấu cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt quy định.

Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong luật có tính đến đặc thù của từng đơn vị. Các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế, xã hội phải được quy định trong luật và đảm bảo tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Bộ Chính trị cũng chỉ đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động xây dựng các đề án đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trong các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Đây có thể xem là các giải pháp được dự tính trước để đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững sự trường tồn, độc lập tự chủ, phát triển bền vững.

Thực tế hiện nay có rất nhiều kỳ vọng ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ giúp hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, ổn định lâu dài và văn minh, tạo động lực hình thành ba đầu tàu thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh. Từ đó, tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Nguyễn Quốc

VOH

Bình luận

Đọc Báo