Công tác y tế và cầu nối gắn kết tình quân - dân trên biển – Thời sự 17g ngày 31/08/2018

(VOH) – Góp phần cho công tác dân vận trên biển đạt hiệu quả cao nhất, chiến sĩ quân y trên biển, đảo Tây Nam đã khắc phục rất nhiều khó khăn, thiếu thốn để luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng phía Tây Nam của Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân vẫn luôn nhận thức sâu sắc việc phối, kết hợp với nhiều lực lượng chức năng liên quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Song song  đó, công tác dân vận cũng được các đơn vị phát huy để tạo sức mạnh tổng hợp quân dân trên biển, tạo thế trận vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong các hoạt động đó, những chiến sĩ quân y trên biển, đảo Tây Nam cũng góp phần rất lớn để công tác dân vận trên biển đạt hiệu quả cao nhất. Tháp tùng cùng Đoàn đại biểu lãnh đạo TP đến thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ Vùng 5 Hải quân.

Nhà giàn DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cách đất liền khoảng 250 - 350 hải lý. Đây là cụm Nhà giàn được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1994, trên Bãi cạn Cà Mau, thuộc vùng Vịnh Thái Lan.

Ngoài chức năng của một công trình phục vụ cho mục đích dân sự, Nhà giàn DK1/10 còn làm nhiệm vụ như một trạm khí tượng thủy văn, thường xuyên thu thập các dữ liệu thời tiết. Quan trọng hơn nữa, Nhà giàn DK1 còn canh giữ cho ngư dân ra khơi, bám biển; khai thác, đánh bắt thủy hải sản và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời, thềm lục địa của Tổ quốc.

Về những kết quả đạt được trong công tác dân vận, Trung úy Bùi Trung Kiên, Chỉ huy Trưởng Nhà giàn DK1/10, cho biết: “Trải qua hơn 24 năm làm cột mốc chủ quyền, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/10 kế thừa và phát huy thành quả thế hệ cha anh đi trước, phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, đoàn kết, hiệp lực giữ vững chủ quyền. Luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên giao, giữ vững chủ quyền vùng biển được phân công; tuyên truyền chủ quyền vùng biển, hướng dẫn vị trí đánh bắt hải sản 12 lần cho 21 tàu cá đánh bắt trong khu vực. Đã cấp 40 ngàn lít nước ngọt, 70kg gạo, 10 lít dầu ăn cho 7 tàu cá; khám cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… Đặc biệt, đơn vị đã phát thuốc cầm máu cho ngư dân trong quá trình đánh bắt gần đơn vị, trong đó có nhiều ca tai nạn với mức độ nặng như dập nát tay, chân trong quá trình đánh bắt. Qua hoạt động dân vận, đã tạo được tình cảm tốt đẹp giữa đơn vị và ngư dân đánh bắt trong khu vực. Phát huy cao độ với tinh thần “Vì nhân dân phục vụ và hết lòng vì dân”.

Là người trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ và giúp đỡ ngư dân trong công tác y tế, Trung úy Nguyễn Hữu Cường, nhân viên quân y Nhà giàn DK1/10 cho biết: nhiều trường hợp ngư dân bị tai nạn trong khi khai thác hải sản nhưng trang thiết bị của các chủ tàu hết sức sơ sài không đủ để cầm máu và điều trị, sơ cứu các vết thương.

Trung úy Nguyễn Hữu Cường kể lại: “Cách đây hơn 1 tháng có một ngư dân trong lúc lao động làm nghề cá, do sóng to gió lớn đã bị ngã, đa chấn thương trong đó có một vết thương ở trên đỉnh đầu làm rách da, dài 7cm và một vết thương to bên cẳng tay trái. Vị trí tàu đánh cá của ngư dân nằm trong khu vực biển của mình nên khi họ vào Nhà giàn, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cứu. Lúc đó, do sóng gió nên anh em chiến sĩ đã dùng phao bó, cáng hải quân để đưa ngư dân lên giàn, sau đó cấp cứu. Lúc đưa lên giàn thì nạn nhân rất yếu, huyết áp thấp, mạch rất nhanh. Cùng với toàn thể anh em trong Nhà giàn, chúng tôi cấp cứu, cầm máu, xử lý, khâu vá các vết thương và điều trị dự phòng, song hướng dẫn ghe chuyển nạn nhân vào bờ để tiếp tục cứu chữa.”

Sống, làm việc trong điều kiện còn khó khăn ở các Nhà giàn cũng như các đảo tiền tiêu, cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức được rằng, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, công tác phối kết hợp với các lực lượng cũng như bà con ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản cũng hết sức quan trọng trong công tác dân vận, tạo thế trận vững chắc giữa quân với dân trên mọi hoạt động.

Ở đảo Hòn Khoai, cán bộ quân y của Trạm Radar 595 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân cũng thường xuyên giúp đỡ, tiếp tế ngư dân một số nhu yếu phẩm cần thiết, nước ngọt. Ngoài ra, cán bộ chiến sẽ còn hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn khi bà con gặp phải một số tai nạn.

Trung úy Nguyễn Văn Quang, phụ trách Quân y Trạm Radar 595 cho hay, hơn 10 năm làm công tác quân y, cũng gặp nhiều trường hợp cần giúp đỡ nhưng đôi lúc, thiếu trang thiết bị để hỗ trợ: “Có những người dân đi đánh cá bị va đập trong quá trình đánh bắt với những thuyền khác, gây ra tai nạn. Lúc đó, chúng tôi cũng xuống giúp đỡ ngư dân khâu vá vết thương, cho thuốc người ta. Tuy nhiên, chủ yếu là những vết thường bình thường chứ chuyên sâu thì không thể vì trang thiết bị, kể cả con người cũng có những hạn chế. Ví dụ, có khi chúng tôi cũng tiếp nhận bệnh nhân đau ruột thừa của người dân sống gần đảo nhưng chúng tôi chỉ sơ cứu xong rồi chuyển bệnh nhân vào bệnh viên Năm Căn ở trong đất liền để chạy chữa”.

Làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, tàu Hải quân 623 (thuộc Vùng 5 Hải quân) đôi lúc cũng gặp những trường hợp bà con ngư dân bị tai nạn trong quá trình khai thác thủy hải sản cần phải cấp cứu, hỗ trợ khẩn cấp.

Biên đội tàu 261, 263, Hải đội 512, Lữ đoàn 127 – Vùng 5 Hải quân

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Hữu Hùng, Y sĩ của Tàu Hải quân 632, Vùng 5 Hải quân, cho biết thêm: “Đợt ra công tác ở Vùng biển này chưa có trường hợp nào cần cấp cứu cả còn lúc trước khi đi Trường Sa có một vài trường hợp người dân bị động kinh hoặc tai nạn trên tàu bè, rách tay rách chân rất nhiều. Lúc đó người dân gửi lên tàu của chúng tôi để khâu vết thương. Bình thường ngư dẫn vẫn dùng băng y tế để cầm màu tạm thời chứ không thể khâu vết thương nên bà con thường đưa lên Nhà giàn hoặc tàu để khâu vá vết thương.”

Giữa biển khơi, bà con ngư dân luôn bám vững ngư trường, khai thác nguồn lợi thủy hải sản đồng thời cũng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước. Đôi lúc, tai nạn là điều không mong muốn và chỉ xảy ra trong tích tắc. Tuy nhiên, sự hiện diện, giúp đỡ và cứu chữa kịp thời của các chiến sĩ, lực lượng quân y ở những vùng biển đảo cũng giúp bà con yên tâm và vững tin vươn khơi bám biển. Đây cũng chính là cách để tạo thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc nơi biển, đảo tiền tiêu của đất nước.

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo