Chở yêu thương đến với đồng bào nghèo vùng biên giới Cà Mau - Thời sự 11g ngày 12/3/2018

(VOH) - Ngày nghỉ cuối tuần, đoàn y bác sĩ từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ TP phối hợp cùng Hội LHPN TPHCM, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP lại lên đường tham gia chương trình “Nghĩa tình biên giới”.

Lần này, đoàn đến với vùng đất nghèo xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, xã giáp với biên giới biển Campuchia. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc. 

Chở yêu thương đến với đồng bào nghèo vùng biên giới Cà Mau

Bác sĩ khám bệnh miễn phí cho người dân xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Có mặt tại điểm tổ chức phát quà từ rất sớm, bà Phan Thị Xuân, 54 tuổi kể, cả nhà có 9 người con, cùng sống trong căn chòi lá cất tạm trên miếng đất thuê, chồng mới bị tai biến, bản thân cũng mang nhiều bệnh tật. Thế nhưng nụ cười lạc quan vẫn luôn toả sáng trong hoàn cảnh ngặt nghèo, dù cuộc sống vất vả, và không vì thế mà nản lòng, bà vẫn cố gắng làm lụng vì gia đình, vì tương lai con cái.

Nhận số tiền 50 triệu đồng để về xây mái ấm, bà Phan Thị Xuân vui mừng khôn xiết: “Các cô hỗ trợ cho cái nhà, ít bữa về cất nhà để ở, con cái mới mua được cái nền. Mà cả gia đình đều bệnh. Tôi mới bị tai biến, giờ xã họ nói phải chuyển lên Cà Mau. Nhà không có đất nên tôi hồi đó giờ đi mót lúa, mần mướn không à, mà cũng không biết tính toán. Còn ông nhà tui đang tưới cải thì bị ngất té xuống sông chết, chở đi Cà Mau thì Cà Mau mới lấy tủy”.

Chở yêu thương đến với đồng bào nghèo vùng biên giới Cà Mau - Thời sự 11h 12/3/2018

Tặng quà cho bà con xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau

Còn gia đình em Nguyễn Nhất Thương, con của chị Nguyễn Xí, ở xã Khánh Tiến cũng rất đáng thương, cả nhà chỉ trông chờ vào công việc đi đánh bắt cá thuê của cha. Nhưng từ ngày cha em phát bệnh tâm thần, những lúc lên cơn lại nhảy xuống biển, may mà được người dân cứu kịp thời.

Nhà có anh em, anh của Thương mới học lớp 5 đã phải nghỉ học để phụ mẹ kiếm tiền. Trò chuyện với chúng tôi, Nhất Thương năm nay mới học lớp hai, mong muốn:

Pv: Sau này lớn con thích làm công việc gì?

Con mần bác sỹ để chữa cho bệnh nhân.

PV: Chữa cho bệnh nhân rồi con có chữa bệnh cho cha không?

Có, cha con bị bệnh nhức giò, rồi bệnh tâm thần nữa.

PV: Con có lo cho cha không?

Có, con lo cho cha lắm. Con chỉ muốn học thật giỏi, sau này con chữa bệnh cho cha rồi có tiền nuôi mẹ để mẹ không vất vả.

Bà Lê Trúc Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Tiến, huyện U Minh cho biết: chị em phụ nữ rất vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ của TPHCM.

Hiện nay mô hình tổ làm cá khô của xã còn manh mún, sự trợ giúp này sẽ giúp chị em nâng từ các mô hình thành tổ hợp tác rồi hợp tác xã để tạo cho chị em có cái nghề và không phải đi làm ăn xa: “Phụ nữ xã Khánh Tiến chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, ngoài ra còn tham gia đánh bắt thủy sản gần bờ. Các hội viên ngoài tham gia làm ruộng trồng màu còn ở nhà vá lưới, làm lưới, rồi làm phao câu kiều để chồng đi đánh bắt gần bờ”.

Bà Bùi Thị Vĩnh, năm nay gần 70 tuổi, đã sống với khiếm khuyết của mình từ hơn 30 năm. Nhà có 7 người con nhưng ai cũng nghèo, giờ chỉ còn hai ông bà sống với nhau bằng nghề chài lưới.

Cá tôm bữa có, bữa không, thành ra ông bà cũng bữa no, bữa đói. Nhìn bà khó ai nghĩ đời người lại có thể chịu nhiều tật nguyền đến thế. Đôi chân dần co rút sau một cơn sốt kéo dài, nhìn cái cách bà di chuyển ai cũng thương cảm. Có khi muốn di chuyển được còn phải dùng đến cả hai bàn tay.

Khó khăn là thế nhưng niềm vui khi được các bác sỹ từ thành phố về khám bệnh, Bà Bùi Thị Vĩnh phấn khởi bày tỏ: “Nghe có bác sỹ khám bệnh cho mừng lắm. Tôi bị tiểu đường, khớp, loãng xương, viêm hạt mắt. Cái giò nó cong giờ đi phải chống gậy. Đi tiểu thì nó xót, nóng hết sức. Bệnh nhiều mà nghèo, đi ra Cà Mau nằm tốn tiền mà ở nhà ổng bị bệnh tim nữa. Nói chung là khổ lắm”.

Chở yêu thương đến với đồng bào nghèo vùng biên giới Cà Mau

Đến với bà con lần này, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan – Bệnh viện Hoàn Mỹ tâm sự: Về vùng quê, mỗi khi khám cho người dân thấy họ mắc nhiều bệnh chỉ vì lao động lam lũ, thấy thương quá.

Nhất là ở đây, bà con đi lại rất khó khăn, di chuyển chủ yếu bằng xuồng, ghe: “Mỗi một lần đi khám cho bà con chị cảm thấy rất xúc động vì bà con rất quý mình, có khi còn thức nguyên đêm để chờ trời sáng được gặp bác sỹ Thành phố xuống khám. Rồi có bao nhiêu tâm tình cũng kể hết cho mình nghe. Và mỗi lần như vậy lại thôi thúc mình đi them”.

Thầy thuốc ưu tú, Đại tá Nguyễn Quốc Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115, Trưởng đoàn bác sỹ Hội chữ Thập đỏ TP, cho biết: “Đoàn thầy thuốc luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ cho đồng bào nghèo và công tác đền ơn đáp nghĩa. Đoàn tập trung giúp đỡ cho người dân ở biên giới, làm thế nào để đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Đồng thời, giúp đỡ cho người dân ở các tỉnh như làm cầu, làm nhà, làm giếng nước công cộng cho nông dân. Đây cũng là sự cố gắng rất lớn của đoàn”

Trong chương trình lần này, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP phối hợp với các đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách và hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn: trao 4 mái ấm tình thương cho gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ nghèo; Trao tặng 50 bồn chứa nước sạch, tặng 50 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi; Tặng 4 máy tính cho bộ đội Biên phòng và Hội phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cho biết, trên 600 triệu đồng gồm quà, phương tiện sinh kế, hiện kim, mái ấm tình thương, bồn chứa nước sạch, xe đạp đã được trao cho hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: “Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, nhất là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Lần này đến với Cà Mau bằng chương trình rất thiết thực, những căn mái ấm tình thương, những thùng chứa nước sạch. Trao vốn cho phụ nữ nghèo thành lập tổ sản xuất cá khô, mắm để kinh doanh thêm. Đồng thời có cả khám chữa bệnh, hy vọng sẽ giúp cho bà con được phần nào”.

Dù không thật sự vẹn toàn cho những khó khăn cần giúp đỡ. Nhưng nhìn chung, trong hai ngày ngắn ngủi, đoàn đã mang đến cho xã nghèo Khánh Tiến những làn gió nghĩa tình ấm áp mà người dân nơi đây khó có thể nào quên.

Những đoàn người đến rồi đi, những món quà nhỏ trao đi để nhận lại những nụ cười, long lanh sáng…Và trong cái hạnh phúc ấm áp ấy vẫn tồn tại một chút nhói lòng vì những hoàn cảnh quá thương tâm.

Bài, ảnh: Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo