Cần nhanh chóng đưa việc phân loại rác thải tại nguồn đi vào đời sống - Thời sự 17g00 5/12/2018

(VOH) – Thành phố Hồ Chí Minh hiện mỗi ngày phát sinh gần 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, 400 tấn chất thải nguy hại, trong đó một lượng lớn rác có thể tái chế. 

Thêm vào đó, tình trạng xả rác bừa bãi, xả rác khó phân hủy ra môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến việc thoát nước và là một trong những nguyên nhân khiến công tác chống ngập của thành phố gặp khó khăn. Chính vì vậy mà môi trường – rác thải là vấn đề nóng được đề cập rất nhiều tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố lần này. 

Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12.

Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 12. Ảnh: trithuctre

Qui định về việc phân loại rác được nhận sự ủng hộ, đồng thuận lớn của người dân vì tác động tích cực đến việc giữ gìn môi trường sống. Nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm thì sau hơn một  tuần thực hiện mà nhiều địa phương còn vận động người dân rất hình thức, chỉ bằng thông báo, tờ rơi mà không có chỉ dẫn sát sao, cụ thể. Người dân chưa được hướng dẫn phân loại rác như thế nào cho đúng, có khi dán nhãn vào từng bao rác thải đã phân loại nhưng khi thu gom thì rác vẫn chỉ đưa vào một chỗ.  Thậm chí, các tổ thu gom rác dân lập ở TP này cũng có tổ biết, tổ không biết quy định này. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhìn ra những lí do mà việc thực hiện phân loại rác còn vướng mắc đó là việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, thiếu giám sát, xử phạt về vi phạm môi trường chưa thật nghiêm. Bà Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: "Có phải chúng ta làm chưa đúng qui trình. Vì sao chúng ta không chuẩn bị trước công nghệ xử lí rác, phương tiện thu gom rác cho phù hợp, thời gian lấy rác, chi phí thu gom rác song song với đó là chúng ta tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp tổ dân phố, thậm chí đến tận nhà dân để hướng dẫn phân loại rác. Ngoài ra trong thời điểm này, thiết nghĩ có nên thành lập đội cảnh sát về môi trường, để đi kiểm tra, giám sát, phát hiện xử phạt những hành vi vi phạm môi trường".

Bên cạnh đó, cần nên có thời gian thu gom rác hợp lí, tránh việc để rác hữu cơ chậm thu gom, ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Cũng về phân loại rác, làm sạch thành phố, từ đó giảm ngập, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay phân loại rác tại nguồn mới chỉ dừng ở vận động, chưa gắn với lợi ích cụ thể của từng hộ gia đình nên khó mà khuyến khích được người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung hiến kế:
"Cử tri phân loại rác rồi thì rác mà chúng ta thải ra mà có thể tái chế được thì chúng ta có thể thu mua. Chính như thế đó cô bác mới thấy được nào lợi nào hại, cô bác sẽ quan tâm hơn đến vấn đề phân loại rác. Hiện nay, chúng ta cần có xe rác chuyên dùng, rác nào là rác tái chế, rác nào là rác phế thải rõ ràng. Chứ để rác mà cô bác phân loại tại nhà rồi nhưng đến khi đem ra lại đổ chung một xe thì qua hình ảnh đó cũng là cô bác chưa an tâm".

Đứng trước những yêu cầu thực tiễn, nhằm đưa việc phân loại rác đi vào đời sống người dân, giúp thành phố sạch đẹp, Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, mà xe tổ chức dịch vụ vận chuyển đẹp hơn, an toàn hơn, phù hợp hơn. 14 quận huyện hiện nay đã tổ chức đấu thầu, và cái giá tổ chức đấu thầu vận chuyển thấp hơn giá được giao. Nó vừa tiết kiệm ngân sách, nó vừa lựa chọn được dịch vụ cung ứng tốt".

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng tập trung ý kiến về đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, bảo đảm an toàn giao thông, ngập nước, lãng phí việc thu phí xe ô tô..

Buổi chiều các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Hội đồng nhân dân TP theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nghe báo cáo kết quả giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Tập trung thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở cho người dân

Chiều cùng ngày, kỳ họp HĐNDTP thứ 12 tiếp tục phiên làm việc trong đó tập trung thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Báo cáo về kết quả giám sát quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất, ông Trương Lâm Danh-Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân TP cho biết: tính tới tháng 6/2018, đã cấp được 1,5 triệu giấy chứng nhận đạt tỷ lệ 95,8% và còn khoảng 17.300 trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận. Đối với 24 quận huyện thì tổng đơn khiếu kiện là gần 10 ngàn đơn, tiếp nhận và giải quyết đơn kiến nghị là 2.500/2.665 đơn đạt tỷ lệ 93,8%.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiếu: cho rằng việc một số khu vực dự án vẫn còn khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến quyền lợi người dân, để giải quyết vấn đề này cần có sự cải cách cần làm cho người dân thấy được những kết quả cụ thể. Trong đó cần tập trung giải quyết nhanh số hồ sơ còn tồn đọng chưa được cấp giấy chứng nhận, sớm cấp giấy chứng nhận tại những nơi có điều kiện.

Một số đại biểu cũng băn khoăn về tỷ lệ đơn khiếu nại, tố cáo không đúng còn khá cao, chiếm hơn 70%, điều này cần nhìn nhận lại vấn đề này nguyên nhân do đâu và có hướng tuyên truyền cho người dân chính sách đất đai một cách phù hợp dễ hiểu. Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cũng đề xuất xem xét lại số trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận lên quan đến quy hoạch dự án đã quá hạn tiến độ phê duyệt, quy hoạch treo, nếu giải quyết vấn đề này sẽ kéo giảm đáng kể một số trường hợp chưa cấp giấy chứng nhận. "Chúng ta xem xét lại trong số 17.303 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận thì có bao nhiêu trường hợp liên quan đến quy hoạch, dự án đã quá thời hạn, theo kế hoạch tiến độ đã được phê duyệt mà qui hoạch, dự án chưa được thực hiện. Nếu giải quyết được vấn đề này thì tôi nghĩ rằng là cũng kéo gỉam một cách đáng kể những trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận".

Qua quá trình giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt nhận thấy phần lớn việc chậm trễ là do phần trao đổi thông tin giữa Sở Tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai còn chậm. Đồng thời, nhiều cán bộ khả năng còn hạn chế dẫn đến việc giải quyết chậm trễ, thái độ giải quyết hồ sơ của cán bộ còn phiền hà, đây là những vấn đề một số cử tri còn phản ánh. Về việc khiếu nại, tố cáo của người dân chưa đúng chiếm đến 74,8%, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cho rằng: "Liên quan đến khiếu nại sai là 74,8%, như vậy là con số này nhiều người dân vẫn chưa hình dung được công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật liên quan đến vấn đề này người dân vẫn chưa nắm rõ. Cho nên dẫn đến tình trạng người dân phản ánh, khiếu nại sai. Về mặt chính quyền chúng ta có những giải pháp gì đề khắc phục trong thời gian tới".

Ông Nguyễn Toàn Thắng-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: ngành đã phân loại để giải quyết số đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trong đó có gần 70% đơn tập trung khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận lần đẩu chậm. Việc này do số lượng hồ sơ quá nhiều, chính vì vậy ngành Tài nguyên môi trường đã kiến nghị giao cho văn phòng đăng ký đất đai thực hiện. Hiện nay Sở kiến nghị phân cấp cho 24 quận huyện, thì toàn bộ công việc cấp giấy chứng nhận cho người dân giảm rất nhiều. Liên quan đến công tác cán bộ, sau khi nhập về văn phòng đăng ký đất đai số lượng cán bộ nhiều và sau khi có phản ánh của người dân, có giám sát xử lý, luân chuyển cán bộ: "Về nguyên nhân còn hơn 17.000 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, đến nay Sở đã đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vường mắc, phân loại và có hướng giải quyết. Về trường hợp xây dựng sai phép, tranh chấp..".

Sau phần thảo luận các đại biểu đã thống nhất thông qua nghị quyết giám sát giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhân dân trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo