Cam kết, quyết tâm của lãnh đạo Thành phố tạo đà khởi sắc cho kinh tế - Thời sự 5h30 ngày 15/05/2018

(VOH) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định, TPHCM có vị trí quan trọng không chỉ đối với miền Nam mà còn cả nước.

Năm qua, tốc độ tăng trưởng của Thành phố đạt hơn 8%, gấp 1,25 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước, đóng góp cho kinh tế của cả nước 22%. Lần đầu tiên, quy mô nền kinh tế Thành phố vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng. Năm nay, cùng với những mục tiêu lớn, quyết tâm và chuyển động mạnh mẽ của lãnh đạo Thành phố sẽ tạo nên diện mạo khởi sắc cho kinh tế.

Trong những năm qua, TPHCM luôn nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn, sinh lợi. Từ chỗ khối doanh nghiệp này chỉ đóng góp hơn 11% tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 1995, đến năm 2010 đã tăng lên gần 23%. Hiện nay đã đóng góp 25% GDP. Nếu tính theo cách tính mới thì tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 17%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP – ông Sử Ngọc Anh thống kê, nếu như năm 1995, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp gần 9% kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2010 đã tăng lên gần 24% và hiện nay gần 56%. Trên lĩnh vực công nghiệp, đầu tư nước ngoài từ con số 0 năm 1998, đến năm 2017 đạt hơn 35%.

“Trên lĩnh vực xuất khẩu, từ 17,4% năm 2000, đến năm 2016 là 53,6% - một con số cực kỳ lớn đối với xuất khẩu. Còn lại thu ngân sách, năm 2001 là 17,98%, đến năm 2017 là 38,51%. Vậy thì vẫn khẳng định lại, FDI vẫn là nhân tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng TP.HCM. Gần 30 năm trước, toàn bộ các dự án đầu tư chúng ta phải bước chân và ra ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xin cấp phép cấp Chính phủ. Sau đó gần 10 năm đến 15 năm, luật đã đổi lại, cấp phép đó trở về TP. Tháng 7/2015, việc cấp phép đó đã trao lại cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, tạo điều kiện cho thủ tục đầu tư nước ngoài nhanh, gọn”, ông Sử Ngọc Anh nói. 

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được gần 1 tỷ 400 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi cả nước đạt gần 6 tỷ đô la Mỹ. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm nay, kinh tế TPHCM tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng hơn 7,6%.

Có hơn 8.000 doanh nghiệp thành lập mới. Để đạt mục tiêu có ít nhất 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó có những doanh nghiệp quy mô lớn, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 65% GDP và đóng góp 64% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, TP.HCM đang có hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành và phát triển, trong đó có hỗ trợ về vốn vay.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương, cho biết: “Nguyễn Đình Vinh “Chúng tôi đang dành một chương trình tín dụng với lãi suất rất ưu đãi, chỉ có 6%/năm để dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hiện chúng tôi đã đầu tư hệ thống thẩm định hiện đại sẽ rút ngắn thời gian thẩm định cho vay”.

TPHCM 2018

Cùng với đó, những mục tiêu và cam kết của lãnh đạo thành phố cho thấy một quyết tâm cao và sự chuyển động mạnh mẽ từ bên trên. Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong khẳng định, năm 2018 và những năm tiếp theo, Thành phố sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh: “Về thuế, phấn đấu tỷ lệ kê khai nộp thuế điện tử đạt 98%, tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 90%; Giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan và thời gian tiếp nhận kiểm tra hàng hóa thực tế. Rút ngắn 57 ngày xuống còn 14 ngày giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Có tổ công tác liên ngành do tôi làm tổ trưởng, đây là tổ công tác đầu tiên trong cả nước và chưa có tiền lệ từ trước tới nay hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định.”

Một đột phá nữa là Thành phố lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp. Trong đó, sẽ giải quyết hai vấn đề lớn mà nhà đầu tư quan tâm, đó là xác định cơ bản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và không phát sinh thêm; Dự kiến thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Cũng trong năm nay, Thành phố tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù, phát triển TPHCM, triển khai đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Lê Quốc Cường khẳng định: “Mục tiêu của đề án là thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế của thành phố trên cơ sở vận dụng tối ưu các nguồn lực của thành phố kể cả về tài nguyên, con người, vị thế trung tâm của thành phố. Và trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, lấy người dân làm trung tâm, tạo ra môi trường sống tốt hơn, tăng cường các kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân, giúp người dân có thể giám sát hoạt động của chính quyền. Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh thì không gian sống của người dân được mở rộng. Đó là sự kết hợp giữa không gian sống thực tế và không gian trên mạng như hiện nay”.

Để khai thác tiềm năng kinh tế du lịch, TP.HCM cũng đã xác định chiến lược phát triển toàn diện ngành này. Năm vừa qua, khách quốc tế đến với Thành phố tăng 20%. Tuy nhiên, thực chất tiền kiếm được từ du lịch của thành phố chỉ tăng gần 13%.

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến trăn trở về việc tạo sức hút đặc biệt để khai thác tiềm năng của lĩnh vực này: “Khách du lịch đến TP.HCM không chỉ đến trú lại và đi các tỉnh thành khác, cũng như đến những đất nước khác, mà họ sẽ có nhiều thời gian lưu trú ở TP. Đây là mong ước của thành phố và chúng tôi sẽ có những đánh giá cụ thể việc khách du lịch đến, sử dụng đồng tiền và hưởng thụ các dịch vụ ở thành phố như thế nào”.

Thành phố cũng đang phát thảo ý tưởng xây dựng khu Đông gồm quận 2, 9, Thủ Đức, 3 quận này sẽ kết nối với nhau. Quận 9 có khu công nghệ cao thu hút đầu tư hơn 9 tỷ đô la Mỹ. Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, 70 ngàn sinh viên, 1.000 giảng viên. Quận 2 là trung tâm tài chính đô thị, được xây dựng trong vòng 3 năm, có từ 2 đến 3 triệu dân, trở thành khu đô thị tương tác, đầu tàu dẫn Thành phố đi đến cuộc cách mạng thứ 4.0. Đây là trung tâm thông minh nhất của Thành phố.

VOH

Bình luận

Đọc Báo