Cái tên....không làm nên chất lượng! - Thời sự 11g ngày 30/8/2018

(VOH) - Cần có sự thống nhất, chuẩn mực trong cách gọi tên trường đại học, phù hợp với hệ thống giáo dục đại học của các nước trên thế giới... đó mới là vấn đề mà giáo dục đại học cần hướng đến. 

Tại hai hội nghị lớn về lấy ý kiến các chuyên gia cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TPHCM và Hà Nội mới đây, việc sử dụng quá nhiều các thuật ngữ đại học nhằm phân định các thể loại trường đại học tiếp tục được các chuyên gia mổ xẻ, phân tích.

Cần có sự thống nhất, chuẩn mực trong cách gọi tên trường đại học, phù hợp với hệ thống giáo dục đại học của các nước trên thế giới... đó mới là vấn đề mà giáo dục đại học cần hướng đến. 

Dự thảo Luật Giáo dục đại học mới

Ảnh minh họa: Dantri

Không phải đến bây giờ khi bàn về Dự thảo Luật Giáo dục đại học mới dấy lên những tranh cãi này, mà từ rất lâu trước đó cũng đã nhiều ý kiến bày tỏ sự rối rắm về cách gọi tên một trường đại học sao cho đúng.

Theo dự thảo lần này, có đến 5 thuật ngữ được sử dụng. Thứ nhất, khái niệm “cơ sở giáo dục đại học” được hiểu là cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Thứ hai, “trường đại học, học viện” – có thể gọi chung là trường đại học, được hiểu là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đơn lĩnh vực. Thứ ba, “đại học” là cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực. Thứ tư, “trường đại học thành viên” được hiểu là trường đại học trực thuộc đại học. Và khái niệm “trường” là bộ phận của đại học hoặc của trường đại học đa lĩnh vực.  

Chia sẻ quan điểm của mình, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM lo ngại những thay đổi của Dự thảo Luật Giáo dục đại học lần này sẽ dễ làm nở nồi các trường đại học, nhất là tình trạng “đại học hai cấp”. Bởi, hễ một “trường đại học” nào có nhiều ngành, đa ngành đều có thể trở thành “đại học”.

Quan trọng hơn, điều này sẽ ràng buộc sự tự chủ của các trường, vì trường đại học thành viên muốn được tự chủ, nhưng phải theo quy định của đại học mà nó trực thuộc thì rất khó: “Theo quan điểm của tôi, từ trước khi Luật Giáo dục Đại học năm 2012 được xây dựng, tôi vẫn nhất quán một quan điểm: đó là Luật Giáo dục đại học chỉ điều chỉnh một đối tượng là trường đại học. Các trường nổi tiếng trên thế giới vẫn gọi là trường đại học. Cái từ “đại học” nó không làm tăng thêm chất lượng của trường đó mà nó lại trở thành một cấp trung gian, chịu thêm một tầng cấp trung gian ở giữa nữa”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, hiện nay chúng ta đang dùng quá nhiều thuật ngữ như: đại học, trường đại học.... Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn sử dụng hai tên gọi này với ý nghĩa như nhau. Ông cũng đề nghị giáo dục Việt Nam nên mạnh dạn thay đổi theo xu hướng giáo dục trên thế giới: “Chúng ta nên bỏ những từ: trường đại học, đại học, đại học vùng. Đúng là có những trường đại học đơn ngành, đa ngành, tôi nghĩ không sao cả, vì cuối cùng cũng đều dịch là university. Chúng ta cũng đã đến lúc nếu muốn hội nhập thì chúng ta phải dùng những từ của quốc tế, chúng ta nên mạnh dạn dùng từ viện đại học”.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Phát, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM lại cho rằng, ông ủng hộ việc cổ xúy có điều kiện xu thế phát triển từ trường đơn ngành lên đa ngành, đa lĩnh vực, tức là phát triển từ trường đại học lên đại học tổng hợp: “Nhưng mặt khác, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch mạng lưới đại học. Cao nhất cả nước chỉ nên có hai hoặc ba Đại học quốc gia thôi. Đại học tổng hợp thể hiện rõ nhất có đại học vùng, sắp tới có một số đại học nữa lên đại học tổng hợp như Đại học Cần Thơ, Đại học Tây nguyên.....Số lượng đại học tổng hợp cũng sẽ tăng nhưng không để phát triển tràn lan, không để phá vỡ quy hoạch”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM chia sẻ, cá nhân ông ủng hộ một khái niệm đơn giản, đó là “trường đại học”. Bởi vì, dù đơn hay đa lĩnh vực, nó cũng là trường đại học, kể cả các trường thuộc đại học quốc gia thì cũng là trường đại học. Đặc biệt, bên cạnh các trường đại học nên phải xuất hiện hệ thống đại học. Nếu có hệ thống đại học thì nó phải được cấu trúc và tổ chức theo một cách mềm hơn, đó là chuyện bình thường của giáo dục trên thế giới: “Do đó, tôi cũng có đề xuất nhưng vấn đề này cũng cần trao đổi với Ban soạn thảo Luật. Ban soạn thảo thì chỉ muốn có trường: trường tổng hợp, trường đơn ngành và trường đa ngành. Trường đơn lĩnh vực thì gọi là trường, trường đa lĩnh vực thì gọi là đại học. Tôi cũng hơi “lựng xựng” ở chỗ này. Nhưng triết lý của việc phân loại này là gì, trường đại học là đơn lĩnh vực, đại học là đa lĩnh vực, theo đúng định nghĩa của Luật này”.

Trước đó, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã từng đề nghị thay tên gọi “đại học” bằng thuật ngữ “viện đại học”. Hiệp hội viện dẫn theo thông lệ quốc tế, hiện các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau. Nếu theo cơ cấu tổ chức, sẽ có viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng. Nếu phân theo sứ mệnh thì sẽ có: viện đại học quốc gia, viện đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương. Phân theo đẳng cấp, sẽ chia ra: trường đại học nghiên cứu, trường đại học. Theo phương thức tuyển sinh sẽ chia thành trường đại học truyền thống, trường đại học mở... Vì vậy, Luật Giáo dục đại học sắp hoàn thiện cần phải có định nghĩa rõ từng loại hình trường, xác định rõ sứ mệnh của từng loại hình trường, để các cơ sở giáo dục đại học có sự tự chủ, mạnh dạn phát triển đúng với sứ mệnh giáo dục của nó./.

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo