Cách nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng? - Thời sự 11 giờ 12/06/2018

(VOH) - Mạng xã hội như cơn lốc xoáy cuốn lấy giới trẻ với vô số những câu chuyện, tình huống tiêu cực tác động đến các em như nghiện game, gặp các sự cố trên mạng nhưng hậu họa thật.

Làm sao để trẻ “làm chủ” bản thân trong thế giới mạng không chỉ là bài toán gây đau đầu mỗi ông bố bà mẹ mà trở thành nỗi lo của toàn xã hội. Tiếp tục loạt bài “Những hiểm họa đối với trẻ trong thế giới ảo, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, phân tích sâu hơn vấn đề này.

*VOH: Thưa ông, ông cho biết về những nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng hiện nay gồm có những vấn đề gì? Và những nguy cơ này đang diễn biến theo chiều hướng nào?

- Ông Đặng Hoa Nam: Có rất nhiều nguy cơ đối với trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên ở đây cũng phải nói đến 2 góc độ. Một là góc độ tích cực của thế giới công nghệ số và môi trường mạng đối với trẻ em. Đây là một môi trường về thông tin một thế giới tri thức và thế giới về trao đổi mà thông tin và tri thức rất tốt cho mọi người, trong đó có trẻ em. Và làm thế nào để phát huy tối đa để trẻ em có quyền được truy cập thông tin, sử dụng thế giới số, sử dụng môi trường mạng  một cách phù hợp với sự phát triển của trẻ em và không gây tổn hại cho trẻ em. Còn ở góc độ thứ 2 là trên môi trường mạng hiện nay xuất hiện rất nhiều nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Trong đó có cả nguy cơ xâm hại trẻ em khi trẻ em vô tình tiếp cận những thông tin mà nó không phù hợp với sự phát triển của trẻ em như những thông tin liên quan đến tình dục, bạo lực. Đặc biệt hiện nay đang gia tăng chứng trẻ em bị nghiện game online, nghiện mạng. Đây là một trong những thách thức đối với nhà xây dựng pháp luật, nhà quản lý và những nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng. Cái thứ ba nữa rất nghiêm trọng mà chúng ta phải phòng ngừa tích cực đó là vi phạm bí mật và thông tin đời tư của trẻ em. Trong những phạm vi không phù hợp nó dẫn đến những nguy cơ bị lừa đảo, bị lợi dụng. Một vấn đề nữa là tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia thì qua môi trường mạng các đối tượng liên quan đến xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, bạo lực đối với trẻ em thì theo dõi và kết nối với trẻ em. Như trước đây chúng ta nói thế giới số, công nghệ mạng là thế giới ảo. Nhưng hiện nay nó không còn ảo nữa vì những hậu quả gây tổn hại cho trẻ là có thật. Gây tổn hại về mặt tinh thần, ảnh hưởng tới học tập thậm chí mắc bệnh lý ngất xỉu phải cấp cứu ở trong bệnh viện. Hay như tình huống xâm hại trẻ em là có thật. Những tình huống bắt nạt hoặc đưa những thông tin bất lơi cho trẻ dẫn đến những sang chấn về tâm lý. Hoặc tình huống xâm hại ở trên mạng dẫn đến xâm hại tình dục ở trong đời thật. Chúng ta phải nhìn nhận rằng tất cả những tổn hại trẻ em này là có thật và biểu hiện trong đời sống hàng ngày chứ không còn ảo nữa. Đây là vấn đề chúng ta cần phải tích cực phòng ngừa và cảnh báo cho chính trẻ em khi tham gia trên môi trường mạng.

*VOH: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã có những hành động gì nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em trong môi trường mạng?

- Ông Đặng Hoa Nam: Chúng tôi xin nói đến góc độ của cơ quan chức năng về chính sách thì hiện nay trong luật trẻ em, Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều luật trẻ em và các quy phạm pháp luật khác liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung. Trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng về cơ bản đã tạo một hành lang pháp lý hội nhập và có thể bảo vệ được trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, chúng ta cần có cái bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác ví dụ như các Nghị định, các thông tư để làm sao chúng ta có những cái chế tài, các biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn kỹ thuật thời gian qua đã đưa ra những công cụ, giải pháp về truyền thông hướng dẫn cho trẻ em cũng như cho cha mẹ, cho cộng đồng xã hội về an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Đối với các DN mạng toàn cầu như là Microsoft, facebook hay những DN ở Việt Nam như VNPT, Viettel thì đều có giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, những biện pháp này phải được quảng bá một cách rộng rãi hơn để sử dụng một cách rộng rãi. Thậm chí chúng tôi khuyến khích miễn phí cho các đối tượng trẻ em. Có thể sáng tạo ra những phần mềm để trẻ em và cha mẹ trẻ có thể tải về miễn phí để sử dụng.

*VOH: Như ông vừa cho biết thì những biện pháp nào được cho là hiệu quả nhất và chúng ta còn cần làm gì để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong thời gian tới?

- Ông Đặng Hoa Nam: Hiện nay, biện pháp quan trọng và bền vững nhất là chúng ta phải tăng cường các biện pháp về truyền thông giáo dục. Hướng dẫn kỹ năng cho cha mẹ và cho chính trẻ em để có những giải pháp, những kỹ năng tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường mạng. Vì hiện nay chúng ta không thể sống mà không có sử dụng mạng. Môi trường mạng là cái tất yếu của cuộc sống hiện nay và chúng ta phải trở thành những công dân của thế giới số và công dân của thế giới số thì chúng ta phải biết tự bảo vệ mình. Biết tận dụng những cái tối đa của thế giới số và hạn chế đến mức tối đa những tổn hại có thể gây ra cho mình. Tôi nghĩ cái biện pháp lâu dài là phải tăng cường truyền thông giáo dục, kỹ năng để sử dụng mạng một cách tích cực.

*VOH: Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của nhà trường và gia đình trong việc bảo vệ trẻ em trước nguy hiểm trên mạng?

- Ông Đặng Hoa Nam: Nhà trường và gia đình có vai trò quyết định trong việc hướng dẫn nâng cao nhận thức và kỹ năng cho trẻ em về việc sử dụng mạng một cách tích cực để phòng ngừa ở mức tối đa gây tổn hại. Nhưng chúng ta đang đứng trước một cái thách thức như thế này. Thách thức là thế hệ sau ví dụ như giáo viên, cha mẹ lại không thông thạo CNTT bằng những thế hệ đi sau. Đấy là một cái thách thức mà chúng ta cần phải học hỏi một cách tích cực. Chúng ta cần phải làm bạn với học sinh, với con em để làm sao chúng ta có những cái giao tiếp kể cả trong đời thực cũng như giao tiếp ở trên mạng để làm như thế nào chúng ta có thể kết nối và bảo vệ trẻ em, học sinh một cách tốt hơn.

*VOH: Riêng đối với bản thân các em, ông có lời khuyên gì để giúp các em tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm này?

- Ông Đặng Hoa Nam: Tôi có một lời khuyên ngắn gọn thôi: Là cần phải học tập và rèn luyện các kỹ năng để trở thành một công dân trong thế giới công nghệ số một cách tích cực nhất.

*VOH: Cảm ơn ông!

Phương Dung

Bình luận

Đọc Báo