Bông lúa vàng - Hành trình viết nên thương hiệu - Thời sự 5g30 16/03/2019

(VOH)- Mùa Bông lúa vàng 2019 đã khởi động, một không khí nhộn nhịp và phấn khởi cho “chặng đua” mới của các tài năng.

Năm nay, cuộc thi mở rộng quy mô trên cả nước, vòng sơ tuyển bắt đầu từ ngày 22/3 đến 16/6 lần lượt qua các tỉnh: Đồng Tháp; Bạc Liêu; Hà Nội; Đà Nẵng, TPHCM hứa hẹn nhiều kịch tính và hấp dẫn. Hơn 25 năm qua, dù có không ít khó khăn, nhưng “bông lúa vàng” vẫn bền bỉ hành trình tìm kiếm và mài dũa những viên ngọc thô, đã thắp sáng và hiện thực hóa giấc mơ nghệ thuật của nhiều tài năng trẻ.

Cách đây 25 năm, khi các chương trình truyền hình, các cuộc thi chưa phát triển rầm rộ như hiện nay, giải bông lúa vàng ra đời và nhanh chóng trở thành cuộc thi “đình đám” nhất thời điểm đó. Vì nó là cuộc thi hiếm hoi về tài tử cải lương, phát trực tiếp trên sóng phát thanh. Với thính giả “bông lúa vàng” trở thành một món ăn tình thần giá trị không thể thiếu. Tất nhiên không có con đường nào dễ đi, để mang về những trái ngọt như thế này là cả một hành trình gian nan vì đây là một cuộc thi nghệ thuật, ngoài yếu tố hay, hấp dẫn, tất cả phải thật chính xác và công tâm. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, ekip thực hiện đã gặt về nhiều trái ngọt.

Khởi xướng từ năm 1993 – qua hơn ¼ thế kỷ, giải thưởng này vẫn đang tiếp tục khẳng định vị thế và sức sống bền bỉ của mình, trở thành “Tri kỷ” tri âm trong lòng người mộ điệu. Đối với những tài năng trẻ - cuộc thi đã mở ra “Cánh cửa” kì diệu để hiện thực hóa giấc mơ làm nghệ sĩ. “Bông lúa vàng” đã làm nên thương hiệu đẹp cho riêng mình bằng tất cả sự cố gắng và tình yêu dành cho loại hình nghệ thuật này.

25 năm qua, đã có hàng triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi ở khắp các tỉnh thành với chất giọng ngày một đẹp và điêu luyện hơn.  Format cuộc thi cũng được thay đổi qua từng năm để hỗ trợ thí sinh tốt hơn và hấp dẫn hơn công chúng. Tài sản đầy tự hào và trân trọng của giải thưởng “Bông lúa vàng” là nhiều tên tuổi nghệ sĩ bước ra từ giải thưởng này ngày càng được khán giả yêu mến như: NSUT Hồ Ngọc Trinh, NSUT Lê Tứ, NSUT Tuyết Ngân, NSUT Đào Vũ Thanh, Tuấn Anh, Hải Long, Minh Trường, Võ Thành Phê, Bùi Trung Đẳng…

Nghệ sĩ Tuấn Anh, đạt giải bông lúa vàng năm 1993 và nhanh chóng được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn ở nhiều đoàn cải lương, đã xúc động khi nói về giải thưởng này: “Trước khi đến với giải bông lúa vàng Tuấn Anh đã đi hát và đã tốt nghiệp trường nghệ thuật sân khấu nhưng chỉ từ khi đạt giải Bông lúa vàng giọng ca mới đi xa hơn… cám ơn Đài và cám ơn giải thưởng Bông lúa vàng”.

Thành công của chặng đường 25 năm, niềm vui đọng lại rất nhiều nhưng nỗi buồn cũng không ít. Thành công đó ngoài những khối óc, đôi tay của những thế hệ kế thừa hôm nay còn có công lao của những bậc tiền nhiệm. của nhiều  nhạc công, soạn giả, nghệ sĩ, đạo diễn… Nhạc sĩ Khải Hoàn – đệm nhạc cho giải thưởng từ hơn 20 năm trước cũng hạnh phúc cho biết: "Đài phát thanh tổ chức chương trình này rất hay… mong Đài tiếp tục  duy trì giải thưởng này vì tôi biết khán giả họ rất yêu thích giải thưởng”.

Âm nhạc tài tử cải lương là hơi thở, là cuộc sống tinh thần của dân Nam bộ nói riêng và người dân cả nước nói chung. Vì thế bảo tồn, phát triển và ươm mầm tài năng trẻ là tiêu chí quan trọng mà cuộc thi luôn phấn đấu làm tốt trong suốt nhiều năm qua.

Trong số những nghệ sĩ đã thành danh từ giải thưởng “Bông lúa vàng”, nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân là nữ nghệ sĩ có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp dài và đạt được rất nhiều huy chương vàng danh giá của nhiều cuộc thi khác cũng phấn khởi bày tỏ: “Giải thưởng này thật sự đã trở thành 1 thương hiệu, 1 món ăn tinh thần của bà con miền tây… các bạn cứ đi thi, cứ tin vào cuộc thi và niềm đam mê của mình”.

25 năm bền bỉ tìm lối đi riêng, dù có không ít hình thức giải trí khác cạnh tranh nhưng cuộc thi Giọng ca cải lương giải “Bông lúa vàng” vẫn được khán thính giả tin yêu. Khung giờ 14h thứ 7 hàng tuần nghe bông lúa vàng trên sóng phát thanh hay đến xem trực tiếp tại Đài trở thành niềm vui, thói quen của nhiều thế hệ khán thính giả.

25 năm - một chặng đường không mệt mỏi, những con người “ươm mầm” tài năng vẫn vững tin với nhiệm vụ của mình – Nhiệm vụ kế thừa và trao truyền cho thế hệ kế tiếp những tinh hoa của Âm nhạc tài tử cải lương. NSƯT – nhạc sĩ Huỳnh Khải không những là vị giám khảo lâu năm mà còn góp phần định hướng chuyên môn âm nhạc tài tử cho các thí sinh nhấn mạnh: “Chưa có cuộc thi  nào mà bền bỉ và dài như giải Bông lúa vàng… nhờ vậy mà đờn ca tài tử, mà bản vọng cổ có sức sống mạnh mẽ trong đời sống của người Việt Nam trong nước và kiều bào ở nhiều nước trên thế giới”.

Tuy nhiên cũng không phủ nhận rằng cuộc thi này vẫn cần có những sức bật xa hơn và lôi cuốn hơn để có thêm những lớp khán giả mới. Vậy làm thế nào để hấp dẫn hơn trước những thách thức của thời đại, của nhịp sống vội vã hôm nay, của nhiều loại hình nghệ thuật cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi sẽ đề cập đến câu chuyện về sức bật và sự tươi mới của “Bông lúa vàng” trong bài cuối của loạt bài này, để cuộc thi giữ những cái hay vốn có, “Đẹp” trong mắt công chúng, là đòn bẩy đáng tin cậy của thí sinh nhưng vẫn giữ được cái hồn và bản sắc độc đáo của âm nhạc tài tử cải lương.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo