Bồi hồi Gạc Ma - Thời sự 11h 14/8/2018

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nơi đã từng trở thành lịch sử, để bày tỏ tình cảm, tấm lòng, cảm xúc, sự tri ân trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân đã mãi mãi nằm lại ở Gạc Ma trong trận

Trong chuyến hành trình về nguồn “Gạc Ma –Vòng tròn bất tử” vừa được Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức trong dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, các cán bộ công đoàn đã có dịp thăm lại nơi đã từng trở thành lịch sử, để bày tỏ tình cảm, tấm lòng, cảm xúc, sự tri ân trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân đã mãi mãi nằm lại ở Gạc Ma trong trận chiến 30 năm về trước. 

…Chúng em từ khắp muôn nơi
Đến đây học những yêu thương
Học người giữ đảo làm gương cho đời
Ba mươi năm lặng lẽ trôi
Vòng tròn bất tử bồi hồi Gạc Ma…

Gạc Ma , Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Đó là những vần thơ viết vội mà các cán bộ chuyên trách công đoàn TPHCM sáng tác khi lần đầu tiên được đến viếng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại thôn Thủy Triều, xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trong chuyến hành trình về nguồn  “Gạc Ma –Vòng tròn bất tử” vừa được Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức trong dịp kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.  Những vần thơ đó cũng đã nói lên tình cảm, tấm lòng, cảm xúc, sự tri ân của cán bộ công đoàn TPHCM trước sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân đã mãi mãi nằm lại ở Gạc Ma trong trận chiến 30 năm về trước. Chị Trần Thị Dung-Cán bộ công đoàn chuyên trách các KCX-KCN TP, bày tỏ: "Lần này được trực tiếp tham gia chuyến hành trình về nguồn Gạc Ma-Vòng tròn bất tử và tận mắt chứng kiến tượng đại uy nghiêm bất tử, bản thân cảm thấy rất bồi hồi và xúc động trước sự hy sinh cao cả của những anh hung liệt sĩ. Ngay cả bản thân và những cán bộ công đoàn tham gia chuyến hành trình tự hứa với lòng là sẽ cố gắng công tác tốt , dìu dắt đoàn viên, sản xuất tốt để đóng góp phần nào công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của đất nước và gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương".

 Ngắm nhìn tượng đài với một vòng tròn bất tử, dâng hương và nghiên mình trước di ảnh của 64 chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là được nghe kể về câu nói của Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân" đã làm cho 300 cán bộ chuyên trách công đoàn TP bồi hồi xúc động. Ai nấy đều dặn lòng sẽ quyết tâm thực hiện tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình cũng như tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên công đoàn về chủ quyền biển đảo quê hương. Anh Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch Công đoàn Các doanh nghiệp công ích dịch vụ thương mại TP, cho hay: "Tôi thấy rất là vui khi là một trong những thành viên tham gia chuyến hành trình về nguồn lần này. Nhiệm vụ trong chuyến này là phải nâng cao nhận thức, hiểu biết thêm về truyền thống yêu nước vẻ vang, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ đã vì nước hy sinh, vì dân quên mình, anh dũng để bảo vệ biển đảo, biên cương của tổ quốc. Sau chuyến đi này bản thân tôi cũng cố gắng tìm hiểu để có điều kiện tuyên truyền cho đoàn viên công đoàn, để mọi người có thêm thông tin, biết thêm những khó khăn của cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ  biển đảo của tổ quốc".

 Ý nghĩa của chuyến hành trình về nguồn lần này càng nhân đôi khi cán bộ công đoàn và công nhân viên chức lao động TP được tận mắt ngắm nhìn công trình có sự đóng góp công sức của bản thân mình. Vì công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện được xây dựng từ nguồn kinh phí do chính đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước đóng góp, trong đó có cán bộ công đoàn và công nhân lao động TPHCM. 

  Theo Ban quản lý Khu tượng đài, công trình được khởi công giai đoạn 1 vào 13/3/2015 trên diện tích 2 héc ta rưỡi với kinh phí 150 tỷ đồng gồm  cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời",  khu trưng bày các hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây cảnh, đường dành cho người khuyết tật, người đi bộ… Nổi bật nhất của công trình này là cụm tượng “vòng tròn bất tử” cao 15 mét 15, trong đó phần bệ đài cao 1 mét tư, thân tượng cao 13 mét 75, gồm 9 hình tượng ở giữa, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những chiến sĩ hải quân quên mình vì biển đảo Tổ quốc. Đây là công trình đặc biệt có ý nghĩa, là biểu tượng để ghi nhớ, tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và cũng là nơi để tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung và công đoàn TP nói riêng giáo dục về tinh thần yêu nước, giữ vững chủ quyền biển đảo trong công nhân viên chức lao động.

 Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP cho biết, trong thời gian qua, công nhân viên chức lao động TP bên cạnh việc ra sức thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo đóng góp cho sự phát triển của TP thì luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động chung tay đóng góp vì chủ quyền biển đảo do các cấp, các ngành phát động, như: Quỹ vì Trường Sa-Hoàng Sa, tấm lưới nghĩa tình, 1 giờ sản xuất vì biển đảo quê hương, đóng góp xây dựng tượng đài Gac Ma, chung tay góp sức vì chủ quyền biển đảo…Tất cả sử hưởng ứng này là mang lại một ý nghĩa to lớn đó là thể hiện tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo quê hương: "Công nhân viên chức người lao động TP luôn hướng về biển đảo của quê hương vì đây  là phần máu thịt không thể tách rời của  tổ quốc Việt Nam chúng ta. Người lao động của TP sẽ luôn lao động học tập một cách hiệu quả nhất , làm ra được nhiều của cải nhất để đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước , xây dựng TP cũng như đóng góp một phần nhỏ của mình tham gia bảo vệ biển đảo tổ quốc. Chúng tôi cũng xác định đó trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động TP HCM với biển đảo quê hương".

 Từ Gạc Ma-Vòng tròn bất tử, cán bộ công đoàn và công nhân viên chức lao động TP hứa sẽ tiếp tục dành trọn tình cảm và trách nhiệm của mình hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Tích cực tham gia và vận động mọi người cùng tham gia đóng góp ủng hộ để giúp lực lượng chấp pháp và ngư dân mua sắm trang thiết bị, máy móc, ngư cụ, sửa chữa tàu để yên tâm bám biển, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng tượng đài anh hùng chiến sỹ Gạc Ma trong giai đoạn tiếp theo.

Mỹ Trang

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo