Bình luận: Cô giáo quỳ, nhân cách học sinh chông chênh - Thời sự 5g30 ngày 12/3/2018

(VOH) - Sự việc một giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh đã gây nên bức xúc trong dư luận.

Đảng ủy xã Nhựt Chánh đã nhất trí khai trừ Đảng đối với ông Võ Hòa Thuận, người cố tình ép buộc nữ giáo viên quỳ gối để xin lỗi, song dư luận vẫn mong chờ một quyết định xác đúng hơn vì sâu xa sau sự việc này là sự cố ý làm nhục, xúc phạm uy tín, gây ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của người giáo viên.

Khi giáo viên quỳ, sự tôn nghiêm của nhà giáo, của môi trường giáo dục đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

cô giáo bị bắt quỳ gối xin lỗi phụ huynh học sinh

Trường Tiểu học Bình Chánh, nơi xảy ra sự việc phụ huynh ép giáo viên quỳ gối xin lỗi.

Những ngày gần đây, sự việc phụ huynh buộc giáo viên quỳ gối để nhận lỗi tại Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đã làm dấy lên sự bất bình từ dư luận xã hội. 

Một hành động làm đổ vỡ giá trị văn hoá truyền thống "tôn sư trọng đạo" bao đời, làm vỡ vụn hình tượng nhà giáo vốn đang rất mong manh trong xã hội hiện đại, và chông chênh hơn quá trình hình thành phát triển nhân cách của học sinh.

Ngày xưa, nghề giáo vốn được gọi là nghề gõ đầu trẻ, được giao nhiệm vụ quan trọng là khai tâm, khai trí cho trẻ.

Những cái gõ đầu như nhắc nhở, như kiềm chế những hiếu động nghịch ngợm của trẻ con, định hướng suy nghĩ đúng sai cho trẻ. Xã hội phát triển, cá nhân con người được xem trọng đề cao, cái gõ đầu trẻ, cái khẽ tay hay quỳ gối có thể không còn phù hợp với những tiêu chí dạy học hiện đại, nhưng vai trò quan trọng của nghề dạy học không vì thế mà mất đi.

Người thầy thông qua dạy chữ để dạy người, dùng nhân cách chính mình để tác động ảnh hưởng đến nhân cách của người học. Vì vậy, câu nói "Nghề sư phạm là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Dưới ánh mặt trời không nghề nào cao quý hơn nghề dạy học" vừa là lời động viên người thầy, vừa là sự nhắc nhở xã hội nhìn nhận đúng vai trò của nghề dạy học.

Đáng tiếc, những giá trị trân quý ấy dường như phai nhạt. Dưới ánh mặt trời, hình ảnh người thầy không còn lung linh, khi mà đồng tiền đã len lỏi vào quan hệ giữa nhà trường và học sinh một cách sỗ sàng.

Trong cách nhìn của không ít người, người thầy chỉ đơn thuần là người bán chữ, là người làm dịch vụ giáo dục. Đi học phải đóng tiền thì việc gì phải cảm kích, tri ân.

Vậy nên, mới có chuyện ăn miếng trả miếng, cô phạt học sinh như thế nào thì phụ huynh, những người mua dịch vụ được quyền buộc giáo viên phải chịu phạt như thế ấy. Khi bỏ tiền mua dịch vụ, người trả tiền tự cho mình cái quyền làm thượng đế, kể cả trách phạt, sỉ nhục người khác.

Họ không hề biết rằng trồng cây hái trái, nếu không có tâm cây trái sẽ mang nhiều độc tố. Những người dạy chữ nếu chỉ dạy cho xong kiến thức, sẽ khác rất nhiều với những nhà giáo tâm huyết dạy người. Một sản phẩm hàng hoá có lỗi còn có thể sửa chữa hay bỏ đi, nhưng sản phẩm của giáo dục là nhân cách của con người. Nếu nhân cách đó sai lệch, liệu có dễ dàng chỉnh sửa hay thay thế. Vì vậy, mỗi nhà giáo bên cạnh dạy học, còn có vai trò quan trọng là giáo dục, định hướng nhân cách học sinh. Để làm được điều này giáo viên cần được xã hội trao phương tiện cần thiết- chính là sự tôn trọng.

Khi nhóm phụ huynh buộc giáo viên quỳ, cũng chính là lúc họ tước mất của con cái mình môi trường giáo dục nhân cách quan trọng – đó chính là sự tôn nghiêm của người thầy, sự chuẩn mực của môi trường giáo dục học đường. Đành rằng, một cánh én không làm nên mùa xuân, một hành động không thể phủ nhận hoàn toàn những phấn đấu của ngành giáo dục. Nhưng một con sâu có thể làm rầu nồi canh, một hành động đã làm sụp đổ hình tượng người thầy được vun đắp qua lịch sử ngàn năm văn hiến. Quỳ xin lỗi là hành vi phản giáo dục, giáo viên phải tự chịu trách nhiệm với hành động của mình. Thế nhưng cái giá mà giáo viên này phải trả là quá đắt.

Hành xử của phụ huynh khiến cô giáo phải quỳ gối không thể chấp nhận được. Học đường là chuyện của muôn thuở. Khi cánh cửa trường học mở ra, đồng hành với nó là nhiều tình huống nảy sinh. Sân trường luôn có nhiều ngựa chứng, giáo viên phải biết làm cho học sinh thấy được những điều tốt đẹp của chính các em và của nhà trường. Phụ huynh hợp sức cùng giáo viên, nhà trường giáo dục con em, chứ không phải là bênh vực, bảo vệ con bằng cách đến trường gây áp lực lên giáo viên. Hành xử của phụ huynh như vậy không thể giáo dục con em mình tiến bộ hơn. Hành xử như thế đạo đức xã hội, nhân cách con người sẽ đi về đâu? 

Xót xa thay, hình ảnh cô giáo - cha mẹ học sinh, những mối quan hệ gần gũi, đáng tin cậy nhất của các em lại là sự phủ định sạch trơn những bài học về lòng nhân ái, sự bao dung, sự chia sẻ cảm thông giữa con người. Ăn miếng trả miếng, con người có thể dùng quyền lực, sức mạnh của mình để uy hiếp tất cả, là thực tế trước mắt các em. Những tấm gương sáng nhân văn bị vỡ tan để lại trong cái nhìn của các em là những mảnh gương méo mó. Quỳ xin lỗi không thể có trong môi trường sư phạm.
Trước những cơn sóng phẫn nộ từ dư luận, chắc hẳn những người trong cuộc đang tự vấn lương tâm mình rất nhiều. "Giá như mình làm khác...".  Nhưng, gương vỡ khó lành, và giá như vẫn chỉ là giá như....

Buồn, xót xa... là tâm trạng chung của nhiều giáo viên, phụ huynh thậm chí là cả xã hội. Tuy nhiên, người đang buồn nhất, người chúng ta lo lắng nhất chính là học sinh. Các em chông chênh, không biết phải học cách làm người như thế nào khi chuẩn mực cho sự phát triển nhân cách của mình không còn "đứng vững".

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo