Bệnh án điện tử - tiến đến liên thông phải thống nhất chuẩn dữ liệu - Thời sự 11g00 20/04/2019

(VOH) - Tiến đến cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng, cho bệnh nhân đặc biệt có ý nghĩa trong ngành y tế.

Chính vì điều đó mà ngành y tế không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như trong công tác khám chữa bệnh. Theo chủ trương của Bộ Y tế, bắt đầu từ tháng 3-2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử trong hoạt động khám chữa bệnh. 

Bệnh án điện tử

Ảnh minh họa: soha

Nếu việc mã hóa hồ sơ và liên thông dữ liệu càng nhanh, người bệnh càng được lợi và cũng sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngành y tế. Đây cũng là tín hiệu rất vui cho người bệnh, vừa đỡ mất thời gian, vừa không phải kê khai các phần thủ tục trong những lần khám tiếp theo và bác sĩ điều trị cũng không phải mất thời gian cho các vấn đề về giấy tờ, thủ tục hành chính. Thông tư 46 của Bộ quy định hồ sơ bệnh án điện tử có hiệu lực từ ngày 1/3 là hướng đi tất yếu trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang hòa nhịp vào trong từng lĩnh vực. Đây cũng là cơ sở để hướng đến mục tiêu sau cùng các bệnh viện trong phạm vi cả nước có thể liên thông, xem được hồ sơ điện tử của tất cả bệnh nhân. Từ đây, bác sĩ có thể biết được quá trình điều trị trước đó như thế nào hoặc những tình huống cấp cứu chỉ cần gõ mã hồ sơ sẽ hiện ra dù bệnh nhân đến bất kỳ cơ sở y tế nào.

Với đặc thù là cơ sở y tế mà lượng bệnh nhân lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, với bệnh nhân ung thư, việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử sẽ giúp ích rất nhiều cho bệnh viện và bệnh nhân. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn – Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu cho biết, thông tư này quy định với bệnh viện hạng 1 như Bệnh viện Ung bướu lộ trình thực hiện từ năm 2019 đến 2023, vậy nên, trong thời gian này bệnh viện đang trong công tác chuẩn bị tiến đến hồ sơ bệnh án điện tử. Để làm được nhanh và thuận tiện, bên cạnh đầu tư kinh phí lớn thì rất cần thống nhất chuẩn dữ liệu từ Bộ Y tế: "Thông tư này quy định những bệnh viện hạng nhất như là bệnh viện Ung Bướu lộ trình thực hiện từ năm 2019 đến năm 2023 như vậy có khoảng thời gian 4 đến 5 năm chuẩn bị. Trong thời gian đó, bệnh viện cũng đang làm những việc chuẩn bị như là phải có hệ thống mạng truyền tốt. Bệnh viện đang có đề án rất lớn trình lên thành phố, thứ hai là hệ thống chẩn đoán hình ảnh phải nằm trong đề án đó. Ví dụ cụ thể khi bệnh nhân chuyển ra ngoài Hà Nội thì bệnh viện sẽ chuyển hệ thống đường truyền ra Hà Nội bác sĩ xem biết rõ tất cả hồ sơ bệnh lý của bệnh nhân. Tuy nhiên dù gì cũng phải thống nhất chuẩn, cái này chờ ý kiến từ sở, từ bộ. Phải có lộ trình và bản thân bệnh viện phải nỗ lực".

Là đơn vị tiên phong đầu tiên của ngành y tế TP trong thí điểm thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, Bác sĩ Nguyễn Minh Quân – Giám đốc Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, làm gì làm, muốn kết nối liên thông được giữa các cơ sở y tế với nhau thì Bộ Y tế phải ra quy định chuẩn dữ liệu: "Bộ Y tế phải ra quy định về dữ liệu thống nhất, cái này là quan trọng nhất. Muốn sử dụng với nhau thì phải có cái chuẩn, từ chuẩn đó thì các phần mềm có thể kết hợp với nhau để liên thông".

Ở tuyến quận, huyện, Bác sĩ Hồ Hải Trường Giang - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi cho hay, tại bệnh viện chỉ mới dừng lại ở bệnh án số mà thôi, đây là giai đoạn đầu của bệnh án điện tử. Thực hiện thông tư này theo bác sĩ Giang đòi hỏi thời gian và các bệnh viện cũng phải đầu tư kinh phí vào hệ thống phần mềm công nghệ thông tin: "Bệnh viện mới bệnh án số thôi chưa thực hiện được bệnh án điện tử, mình số hóa các hồ sơ giấy qua máy tính, cái này là giai đoạn đầu của bệnh án điện tử. Theo tôi để thực hiện đòi hỏi rất nhiều sự đầu tư từ chữ ký số, hệ thống đường truyền, dữ liệu liên thông. Một số bệnh viện cũng đang trong khó khăn về kinh phí trong việc đầu tư thực hiện".

Theo Bác sĩ Trần Văn Khanh – Bệnh viện Quận 2, hiện tại khi thực hiện, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn. Tùy vào sự đầu tư của từng bệnh viện mà tiến độ nhanh hay chậm nhưng để liên thông, thì chuẩn dữ liệu phải thống nhất trước đã, không phải kiểu “mạnh ai nấy làm” được quan trọng là phải kết nối được với bên bảo hiểm y tế: "Nó phụ thuộc vào điều kiện của từng bệnh viện có đầu tư được hạ tầng phần cứng, phần mềm tốt thì thực hiện ngay không cần kéo dài. Quan trọng là phải thống nhất viết theo kiểu nào, phải có cái mẫu điện tử chung cho việc này, phải có hướng dẫn đồng thời cần liên thông thống nhất với bảo hiểm , có chữ ký điện tử luôn để khi cần thì mình mở ra".

Hiện nay, thực tế cho thấy, mỗi bệnh viện tự ứng dụng phần mềm riêng của mình, chưa có một chuẩn dữ liệu chung. Dù biết việc thực hiện bệnh án điện tử là có lộ trình tuy nhiên, nếu muốn các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ thì chuẩn dữ liệu phải có càng sớm càng tốt. Vậy nên, sau hơn 1 tháng triển khai Thông tư 46, các cơ sở y tế vẫn còn thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, tự ứng dụng phần mềm riêng tùy thuộc vào đặc thù và sự kết nối với các đơn vị cung ứng có sẳn từ trước. Vậy nên, nếu tiến đến thống nhất chung cho tất cả các cơ sở y tế ngoài lộ trình quan trọng nhất Bộ phải thống nhất chuẩn dữ liệu - đây là nền tảng triển khai liên thông. Còn như hiện nay, bệnh án số thì cơ sở y tế nào cũng đã triển khai thực hiện thế nhưng để nâng lên một bước bệnh án điện tử, có sự liên thông kết nối lẫn nhau là cả vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ của ngành y tế.

Nhất Hương

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo