Bài toán con người và chính sách phát triển - Thời sự 5 giờ 30 20/11/2017

(VOH) - TPHCM đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên, TP đang đối mặt với nhiều khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đội ngũ công chức và chính sách phát triển.

Giải quyết tốt những vấn đề này sẽ mở rộng “cánh cửa” cho TPHCM bước vào giai đoạn mới - giai đoạn hội nhập dựa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn mà TPHCM đang đối mặt có thể nói là những thách thức rất lớn, cả về khách quan lẫn nội tại. Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, về những thách thức nội tại, có 3 điểm mất cân bằng lớn, từ đó dẫn đến sự phức tạp và bất cập trong quá trình quản lý và điều hành, làm giảm mục tiêu phấn đấu trong quá trình phát triển của Thành phố. Ông Nguyễn Thành Tài chỉ ra: "Với tốc độ tăng trưởng về các mặt kinh tế, xã hội hiện nay, chưa có cân bằng được với việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Sự mất cân bằng giữa nhu cầu phát triển và hạ tầng đáp ứng cho sự phát triển đó. Thứ 2 là mong muốn của chúng ta phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo chất lượng cả về mặt giao thông, môi trường, xã hội… Và yêu cầu phát triển nhanh và bền vững cũng mất cân đối. Thứ ba là sự bất cập giữa vai trò, vị trí của Thành phố với cơ chế, quản lý điều hành hiện nay".

Tại buổi họp sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị giữa Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ kinh tế - xã hội của Thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế và tiếp tục gặp các khó khăn, thách thức mà nếu không có chỉ đạo mới, cách làm tốt, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho Thành phố thì sự dừng lại của Thành phố có thể diễn ra.  Do vậy, Chính phủ nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố theo chủ trương chung đẩy mạnh phân cấp giao quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát của Trung ương.

Trước đó, Thủ tướng đặt mục tiêu then chốt cho TPHCM là tạo việc làm với thu nhập ngày càng cao cho người dân, tạo nguồn thu ngân sách bền vững, thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào của Thành phố đứng bên lề của sự phát triển. Chú trọng phát triển Thành phố bền vững, cạnh tranh, bao gồm năng suất cao, nâng cao chất lượng cuộc sống và luôn trân trọng, ghi nhớ công sức của các thế hệ đi trước. Tỉ trọng dịch vụ và sáng tạo trong cơ cấu kinh tế phải tăng nhanh và ngày càng lớn.

TPHCM là một đô thị lớn, đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố nêu ý kiến: "Những vấn đề chưa rõ thì Bộ Chính trị đã có chủ trương, TPHCM phải có sự chủ động, tích cực đeo bám, đề xuất thành một chủ trương rất cụ thể. Nếu nó mới, chưa được thực hiện hoặc chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành thì cùng với Bộ ngành Trung ương để bàn định cụ thể để trình lên Quốc hội để Quốc hội có quyết định mang tính chất tạo ra nền tảng pháp luật cho TPHCM thực thi vai trò của mình tốt hơn".

Hiện nay, năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7 lần cả nước, năng suất lao động của cán bộ công chức cao gấp 1,5 lần cả nước và số thuế thu được cao bằng 3 lần tỉ lệ dân số. Năng suất lao động của công chức TPHCM cao, áp lực công việc nhiều, mức sống đắt đỏ nhưng thu nhập không cao. Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP nói: "Đối với công chức hành chính nhà nước thì ở TPHCM trong nhiều năm qua, Thành phố đã tạo ra được nguồn lực đông, có chất lượng để phục vụ nhu cầu phát triển Thành phố. Khối lượng công việc, năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức TP rất lớn, trong khi đó, mức sống đắt đỏ, thu nhập, điều kiện của công chức Thành phố đang rất khó khăn. Hiện nay, Thành phố đang tính toán tự chủ ở đơn vị sự nghiệp, là điều kiện để giảm biên chế, tăng thu nhập ở các đơn vị sự nghiệp".

Thành phố cần được chủ động trong việc quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố. Như thu nhập công chức với mức kiến nghị trả lương cán bộ, công chức bằng khoảng 2 lần mức thu nhập bình quân của công chức, viên chức cả nước. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín – Chuyên gia Kinh tế - Đoàn Luật sư TP nhận định: "Việc tăng tiền lương và tăng mức thu nhập khác đối với đội ngũ công chức Thành phố đó là điều quan trọng trong thời gian tới. Chắc chắn rằng Chính quyền Thành phố sẽ căn cứ vào sự phát triển của nền kinh tế cộng với quá trình hội nhập, cũng như lực lượng đầu tư từ nước ngoài rất lớn. Cùng với đó để quản lý làm nền tảng, động lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới thì chắc chắn vấn đề lương bổng sẽ tăng lên một cách phù hợp'.

Điểm nổi bật trong đề xuất cơ chế chính sách cho TPHCM chính là tăng cường phân cấp ủy quyền, tự chủ tài chính, trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động. Cụ thể, Thành phố cần được bảo đảm cơ chế khuyến khích tài chính - ngân sách mạnh mẽ, ưu tiên các nguồn tài chính, tạo điều kiện để phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với vùng và cả nước. PGS - TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ đặt vấn đề và dẫn chứng: "Vấn đề biên chế, trả lương thì cách của TPHCM nguyên lý phải khác hẳn. Theo tôi đơn cử một chuyện là Thành phố một ngày thu 1.000 tỷ đồng ngân sách, nộp thuế trong khi nơi khác một tỉnh có khi cả năm thu ngân sách chỉ bằng Thành phố nửa ngày, thế thì bộ máy phải khác, cách làm phải khác hẳn. Hoặc là TPHCM phải nuôi hẳn một lượng dân số không có hộ khẩu tương đương một tỉnh lớn ở Việt Nam nên cần phải có cơ chế, một bộ máy khác".

Cơ cấu phát triển kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực cũng được tính đến như một trong những giải pháp đột phá mà ngành du lịch là một dẫn chứng cụ thể. Thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM đã khẳng định ngành du lịch tại Thành phố nằm trong 9 ngành kinh tế trọng điểm của thành phố. Thế nhưng, thực tế ngành du lịch Thành phố đang phải vật lộn với việc thiếu nhân lực có trình độ. Về lâu dài, tỷ suất sinh thấp cũng là một thách thức với thành phố, kéo theo nhiều hệ lụy như khiến già hóa dân số diễn ra rất nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội. Đó cũng là nguyên nhân đưa đến sự suy giảm về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM.

Trong nhóm chính sách phát triển để tìm giải pháp đột phá hiện nay, Đảng bộ - Chính quyền Thành phố rất chú trọng đến công tác quy hoạch đất đai. Lý do là công nghiệp, dịch vụ sử dụng khoảng 7% đất đai, tạo ra 99% GDP cho Thành phố. Phát biểu tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 11 Khóa X, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân lưu ý “Nếu chúng ta ưu tiên đất cho công nghiệp, dịch vụ thì GDP thành phố sẽ tăng hơn nữa”: "Chúng ta ít đất mà lại “đắt” cho nên hấp dẫn doanh nghiệp cũng hạn chế. Mình thì giá thuê đất khoảng 120 – 140 đô la Mỹ một mét vuông trong khi Đồng Nai, Long An, Bình Dương, mấy tỉnh gần mình từ 70 – 80 đô la Mỹ. Riêng giá thuê đất thì họ không đến với TPHCM. Lao động tại TPHCM cũng “đắt” hơn tỉnh/thành khác. Giá đất “đắt” hơn, lao động “đắt” hơn, rồi vấn đề kẹt xe có khi còn nhiều hơn. Cho nên nếu giải quyết tốt vấn đề đất đai mà nhiều hơn - rẻ hơn thì công nghiệp còn phát triển nhanh hơn nữa".

Có thể thấy, trong bối cảnh hội nhập, bùng nổ thông tin, cách mạng công nghiệp, TPHCM đang đứng trước những cơ hội lẫn thách thức lớn. Do vậy, việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trở thành đòi hỏi cấp bách và rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay. Ngay lúc này, Đảng bộ - Chính quyền Thành phố cần huy động sức mạnh đoàn kết của toàn hệ thống chính trị để xây dựng giải pháp, chính sách cụ thể và đề xuất, kết nối với Trung ương cùng định hình bộ khung cơ chế thích hợp để TPHCM phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Nhóm PV

Bình luận

Đọc Báo