Bài 2: Việc nhỏ - lòng không nhỏ - Thời sự 5g30 09/01/2019

(VOH) - Mỗi tấm gương trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống hôm nay.

Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, hội viên Hội Cựu chiến binh TP tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong lao động, công tác, tích cực đóng góp cho xã hội.

Mỗi tấm gương trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống hôm nay.

Đến Khu phố 8, đường Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, hỏi về cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Đức, hầu hết đều biết đến một người thương binh đã 5 năm trời miệt mài làm một công việc vô cùng nặng nhọc và cả nguy hiểm vì cộng đồng, đó là vớt rác trên dòng kênh Chiến Lược.

Từ năm 2013, nhận thấy tình hình ngập nước ở kênh liên phường diễn ra từ lâu và ngày càng trầm trọng, nước tràn vào nhà dân, rác nổi đầy mặt kênh mỗi khi có cơn mưa, với tinh thần và trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ”, qua những đêm dài suy nghĩ, dẫu biết việc vớt rác là một việc làm khó khăn, gian truân, vất vả, ở dưới lòng kênh nào là kim tiêm, mảnh chai và các vật dụng nguy hiểm dễ phát sinh bệnh tật, ven bờ cỏ mọc thành bè mảng, nhưng ông Đức đã tự thầm lặng làm việc vớt rác  hàng ngày với chiếc xe ba bánh và cây vợt rác. Lặn lội vớt rác các loại và cắt cỏ dọc kênh, bình quân mỗi ngày ông chuyển hai chuyến về tập kết tại trạm trung chuyển Tân Hóa với lượng rác khoảng 340 kg/ngày. Trung bình hàng tháng, người cựu chiến binh này vớt được khoảng 10 tấn rác. Khi chúng tôi hỏi ông rằng động lực nào để miệt mài thực hiện một công việc nặng nhọc, nguy hiểm như vậy, ông hồn hậu trả lời, đó là vì mong muốn việc làm của mình sẽ giúp dòng kênh sạch hơn, nhân dân sẽ không còn xả rác.

Điều ông Đức thấy vui nhất sau 5 năm thực hiện công việc này là nhân dân có nhà dọc theo kênh Chiến Lược đã tự nhận thấy có một phần trách nhiệm nên tự giác bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định, dòng kênh ngày càng được khơi thông, tình trạng vứt rác xuống kênh ngày càng giảm: “Tôi có đứa con lúc đầu cũng phản đối dữ lắm, nhưng tôi không đồng ý. Tôi nói khi ba đã làm thì ba phải làm cho đến cùng. Trước đây chiến đấu, ba hy sinh còn chưa sợ thì bây giờ chuyện này chẳng qua cũng đổ chút mồ hôi thôi. Việc này không chỉ cho cộng đồng đâu mà còn chính là cho bản thân, cho gia đình mình. Người dân đến nay cũng ý thức nhiều, họ ý thức được thì kênh của phường mình sạch đẹp, đó là điều tôi hằng mơ ước.”

Đã 72 tuổi, nhưng Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh, Giám đốc công ty TNHH Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa vẫn không ngừng đóng góp tích cực cho các hoạt động vì cộng đồng. Là một công ty hoạt động trên lĩnh vực xã hội, không mang tính kinh doanh nên trên cương vị lãnh đạo công ty, ông thường xuyên dành nhiều quan tâm đến hoạt động xã hội, cộng đồng, hoạt động nghĩa tình, đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai bão lụt, đóng góp quỹ xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ trẻ khuyết tật, miễn giảm viện phí cho gia đình  học viên diện chính sách, có hoàn cảnh khó khăn hơn 400 triệu đồng. Không những thế, với tinh thần của người cựu chiến binh, mỗi ngày ông đều đọc báo cũng như mạng xã hội để nắm bắt được tình hình trong nước và quốc tế. Bản thân ông còn lập một trang mạng để đấu tranh với luận điệu tuyên truyền xấu của các thế lực thù địch, phản biện những điều chúng xuyên tạc và làm rõ những vấn đề chung mà quần chúng, nhất là thế hệ trẻ hiểu sai hoặc chưa hiểu. Không ít lần trang mạng của bác sĩ Duy bị đánh sập, nhưng ông vẫn kiên trì khôi phục và tiếp tục cập nhật thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, cho hay: “Cái thời tôi lớn lên có những vấn đề mà thế hệ trẻ không hiểu, và thậm chí những người ngang thế hệ tôi cũng không hiểu. Tôi là một người trí thức mà đã như thế thì những người khác sẽ ra sao? Tôi đấu tranh tư tưởng rất nhiều mới hiểu được cuộc đấu tranh cách mạng là như thế nào, chứ không thì tôi cũng không hiểu gì, bị lừa gạt bởi chế độ và những lời nói êm ả, những tư tưởng mà nghe thì rất hay nhưng đi vào thực tiễn thì không thực hiện được. Một vai trò quan trọng nhất là không đầu hàng, kiên trì đeo bám, khó khăn thì phải suy nghĩ cách  và thế nào cũng có cách, do đó tôi nghĩ cuối cùng mình sẽ phát hiện được vấn đề tốt.”

Từ năm 2014 đến nay, phòng khám của từ thiện phường 3, quận Gò Vấp là địa chỉ khám chữa bệnh quen thuộc của nhiều cựu chiến binh, bà con lao động và người nghèo. Phòng khám hoạt động vào 8h -11h, từ thứ 2 đến thứ 6 do Đại tá, cựu chiến binh - Bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng và các đồng nghiệp trực tiếp khám chữa. Bệnh nhân tới đây, ai cũng được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Định kỳ, phòng khám còn phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng phường 3, quận Gò Vấp và Trạm y tế phường 3 tổ chức kiểm tra sức khỏe cho cựu chiến binh và hội người cao tuổi trên địa bàn. Bên cạnh khám bệnh từ thiện tại cơ sở, Phòng khám còn phối hợp với các bệnh viện, nhà hảo tâm tổ chức khám bệnh từ thiện cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Để có trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, bên cạnh công tác vận động tài trợ, mỗi hội viên cựu chiến binh trong phường tự nguyện đóng góp từ 10.000 đồng/người/tháng trở lên. Hình ảnh các y bác sĩ cựu chiến binh đã quen thuộc với người dân nghèo nhiều năm nay.

Dù công việc vất vả lại không có thù lao, nhưng Bác sĩ Nguyễn Xuân Đồng cùng với những cộng sự của mình luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, tận tâm tận lực và dành tình thương đặc biệt cho các bệnh nhân nghèo nơi đây: “Những người lao động nghèo như tôi coi đây như là những ân nhân của mình. Kinh tế không có, mình đến đây khám thì bác sĩ không lấy tiền, có bệnh gì thì bác sĩ cấp phát thuốc uống tới nơi tới chốn và có hiệu quả. Ngoài ra thái độ của các y bác sĩ cũng hết sức nhân hậu. Tôi thì nghèo, được đến phòng mạch như thế này thì rất phấn khởi. Ra đây được châm cứu, phát thuốc, bác sĩ lại rất ân cần nữa.”

Bác Hồ đã từng có lời dạy như thế với cựu chiến binh Việt Nam: “Quân nhân phục viên đã đánh giặc bao nhiêu năm, như vậy là đã kinh qua một lịch sử vẻ vang. Bây giờ các chú tùy khả năng mà tham gia sản xuất, không yêu cầu làm quá sức. Nhưng với truyền thống oanh liệt của quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm việc gì đều phải gương mẫu”, và đây cũng là kim chỉ nam cho mọi hành động của cựu chiến binh, cựu quân nhân thành phố. Thầm lặng vì cộng đồng, những nghĩa cử cao đẹp của họ đã góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh “bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, chung tay xây dựng Thành phố mang tên Bác ngày càng văn minh – hiện đại – nghĩa tình.

Quỳnh Anh

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo