Áp lực của sự kỳ vọng - Thời sự 5g30 ngày 16/4/2018

(VOH) - Học phổ thông phải giỏi nhất lớp, chọn trường đại học phải là trường nổi tiếng, chọn nghề phải theo sự sắp xếp của cha mẹ… là tình trạng nhiều học sinh đang phải đối mặt.

Nhiều học sinh đang phải đi trên con đường do người lớn lựa chọn.

Sự kỳ vọng quá lớn đã khiến cho con cái phải gồng mình đáp ứng, và đến lúc vượt quá khả năng, các em đã đổ gục. Câu chuyện nam sinh tự tử vì không đáp ứng kỳ vọng của gia đình đã một lần nữa xốc lên vấn nạn căn bệnh thành tích trong giáo dục, trong cách cha mẹ gây áp lực cho con cái trong học tập. Bình luận của Phóng viên Thiên An:

Không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình, một học sinh cấp ba trường tư thục đã tự tử như một sự giải thoát trong tâm trạng bế tắc. Em ấy đã phải chịu đựng quá nhiều áp lực từ trong học tập, áp lực từ điểm số. Lại thêm một bài học quá đau lòng dành cho người lớn. Tự bao giờ, điểm số của con lại được đặt trong thế cân đong đo đếm, là vũ khí khoe khoang, ganh đua, so bì trong thế giới người lớn.

Trước khi lao mình xuống sân trường trong sự ngỡ ngàng của các bạn, nam sinh đã để lại lá thư tuyệt mệnh. Nội dung chính là do gia đình muốn em có điểm số tốt hơn để được học ở lớp đứng đầu khối 10. Và khi trong mọi nỗ lực không vươn tới được, em bất lực. Cách đây cũng chưa lâu, một sinh viên trường cao đẳng cũng chọn việc nhảy lầu tự tử vì kết quả thi kém, cũng may em được giải cứu kịp thời. Xâu chuỗi lại sự việc liên quan đến giáo dục thời gian qua, thật chua xót mà thốt lên rằng, sẽ còn bao nhiêu trường hợp đau lòng nữa xảy ra tiếp tục như thế. Giờ đây, hậu quả của căn bệnh thành tích thật sự đã trả giá, một cái giá quá đắt, là chính mạng sống của các em! Một tiếng chuông gióng lên sẽ tắt lịm, nếu chúng ta, mà ở đây chính là người lớn, không thay đổi tư duy áp đặt con cái vào những chỗ không thuộc về nó!

Bậc phổ thông đã vậy, khi lên đến các cấp bậc cao hơn, đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức nhiều hơn mà chỉ có chính năng lực của con người đó mới đủ khả năng tiếp thu. Thì ở đây, các em thay vì chọn học ngành theo sự yêu thích của bản thân thì lại không được, mà phải chọn theo sở thích và ý kiến từ cha mẹ. Thành ra, nhiều sinh viên mới vào học năm thứ nhất, năm thứ hai đã bắt đầu có dấu hiệu đuối. Vậy nên mới có tình trạng, nhiều trường đại học ở TPHCM mỗi năm phải ra quyết định cảnh cáo học vụ, thậm chí buộc thôi học hàng ngàn sinh viên vì điểm kém. Điều đáng nói, không ít sinh viên trong số đó từng học giỏi, từng xuất thân từ trường chuyên hay từng được tuyển thẳng vào đại học. Số lượng sinh viên rơi rụng hàng năm như trên, có trường lên đến gần 2.000 sinh viên mỗi năm là những con số đáng báo động về chất lượng đầu vào thực sự của từng cá nhân người học. Trong những số liệu đó, mấy ai đong đếm được có bao nhiêu trường hợp chọn sai trường, học sai ngành vì theo ý muốn của gia đình, hay sự định hướng nghề nghiệp không rõ ràng, mà dấu ấn phụ huynh quá lớn. Các chuyên gia hướng nghiệp đã đúc kết một tiêu chí chọn nghề khá ngắn gọn nhưng sâu sắc đó là đam mê của bản thân, biết bản thân mình thích gì, khả năng mình có thể làm được gì, năng lực thực sự của mình tới đâu? Điều này có nghĩa, chính chủ thể là các em mới có thể tự xác định sức học và năng lực của mình, chứ không phải để các đấng sinh thành làm thay.

Không phải ngẫu nhiên khi mấy ngày qua, nội dung lá thư của hiệu trưởng một trường học ở Singapore gửi phụ huynh trước kỳ thi lại được chia sẻ trên cộng đồng mạng xã hội một cách chóng mặt như vậy. “Không phải mọi cá nhân đều là người dẫn đầu tất cả các lĩnh vực”, đó là thông điệp mà bức thư gửi đến cha mẹ, kêu gọi cha mẹ không nên đặt áp lực quá nhiều lên vai con cái. Thông điệp sâu sắc ấy vẫn còn nguyên giá trị cốt lõi của nó mà những người làm giáo dục Việt Nam phải suy ngẫm, đó là đừng chạy theo thành tích, đặt nặng điểm số ở các kỳ thi. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đang đến gần, các vị phụ huynh có dám can đảm để cho con cái tự lựa chọn con đường tương lai của mình, để cho con tự đi bằng chính năng lực thực sự của con.

Đừng vì sĩ diện bắt con mặc cái áo quá rộng, để rồi con phải tự co cụm, loay hoay, khi chúng tự lần tìm được lối ra, thì đã quá muộn màng thậm chí phụ huynh phải hối hận cả đời. Một kỳ thi hay điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ hay tài năng bên trong của các con, quan trọng nhất hãy cho con thực hiện mơ ước của mình bằng chính sức lực của bản thân mà không hề có bàn tay áp đặt nào khác.

 Thiên An

VOH

Bình luận

Đọc Báo