Ấm áp nghĩa tình người Sài Gòn - TPHCM - Thời sự 17g00 01/02/2019

(VOH) - Trong những ngày Tết ấm áp này, với những việc làm hết sức nghĩa tình của người TPHCM, mà có lẽ ít nơi đâu có được.

Không chỉ là địa phương đi đầu trong cả nước về nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội mà TPHCM cũng chính là cái nôi của nghĩa tình, của những tấm lòng thiện nguyện, của sự đùm bộc yêu thương dành cho những hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều việc làm thiện nguyện khác nhau. Trong những ngày Tết ấm áp này, với những việc làm hết sức nghĩa tình của người TPHCM, mà có lẽ ít nơi đâu có được .

TPHCM trong mắt nhiều người không chỉ đẹp bởi những công trình kiến trúc, bởi sự sôi động vào ban ngày, bởi sự xa hoa lộng lẫy khi đêm về. TPHCM còn được nhiều người nhắc đến bởi cái tình, bởi cái nghĩa, sự tương thân tương ai, sẵn sàng chia sẻ và luôn quan tâm đến những hoàn cảnh, những mảnh đời còn khó khăn trong cuộc sống. Trong sự tất bật của đô thị hiện đại, trong sự chuyển mình của nền kinh tế thị trường, khiến người dân Thành phố phải bộn bề lo toan cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Tất bật là vậy, phát triển là vậy! Nhưng không vì thế mà giá trị nhân văn của người Thành phố bị giảm đi, ngược lại ngày càng lan tỏa nhiều hơn, phong phú hơn với những việc làm mang đậm nét Sài Gòn - TPHCM.

Giữa trưa hè oi bức, giữa dòng xe tấp nập, trong cơn khát khó cưỡng lại thì bất ngờ cô bán vé số, bác chạy xe ôm hay anh thợ hồ dễ dàng tìm thấy những thùng trà đá miễn phí hiện ra ngay trên lề đường. Hoặc cũng có những lúc bụng đói, trong khi túi thì hết tiền, hay vì lý do nào đó anh công nhân chưa lãnh lương, người già, trẻ em cơ nhỡ, bạn sinh viên khó khăn thì những hộp cơm miễn phí hay ổ bánh mì lót dạ… sẽ giúp họ vượt qua cơn đói để tiếp tục vững bước tại Thành phố này: “Tôi mừng lắm vì dân tộc mình biết thương lẫn nhau. Những người nghèo đỡ phần nào vơi buồn tủi. Lên đây xin việc làm không có rồi đi bán vé số khó khăn, cũng nhờ ở đây mỗi ngày có hộp cơm”.

Có thể với nhiều người, một bình trà đá, 1 hộp cơm hay 1 ổ bánh mì chẳng phải là điều gì to tát, nhưng vào thời điểm đúng lúc, đúng người, nó giống như 1 liều thuốc hồi sinh, giúp họ có thể vững vàng hơn để tiếp tục cuộc hành trình phía trước. Còn nhớ như in cách đây 20 năm khi vừa đặt chân xuống Bến xe Miền Tây, ông Nguyễn Văn Phúc quê ở Tiền Giang đang lạc lỏng không biết đi đâu, làm gì khi túi không có tiền. Thế rồi cũng nhờ cái tình người của 1 bác xích lô khi ấy chở miễn phí đến 1 lò bánh mì gần đó xin việc làm giúp ông và còn cho thêm 10 ngàn đồng ăn cơm. Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, giờ đây cuộc sống của ông  Phúc đã khá hơn, ông mở được tiệm sửa xe để mưa sinh ở quận 8. Tuy nhiên, nếu so với nhiều người thì gia đình ông cũng chỉ ở mức trung bình, nhưng với ông điều đó không quan trọng và điều quan trọng hơn là mình biết phải sống sao để không hỗ thẹn với chính mình, và cần phải có trách nhiệm hơn với Thành phố này, nơi đã cưu mang ông ngay từ khi mới đặt chân đến: “Mình giúp ta mình thoải mái, tối dễ ngủ, mình thích thú. Mình mong có tiền để làm nhiều hơn. Sau này mình cố gắng làm nhiều suất cơm, chứ để người ta lại không có cho tội nghiệp. Hiện giờ vẫn còn bới cơm nhà cho thêm”

Hay như bà Trần Thị Mỹ Hiền quê Đồng Tháp, hiện nay ở quận 7, hơn 15 năm trước khi đến TPHCM hành trang của bà duy nhất chỉ là những bộ đồ cũ, cùng 2 đứa con nhỏ và vài chục ngàn đồng. Thế nhưng nhờ sự mở lòng của những người tốt bụng cưu mang, giúp đỡ, giờ đây gia đình bà đã có cuộc sống sung túc hơn. Cảm nhận được những giá trị cho đi, nên nhiều năm qua bà và các con của mình đã dành rất nhiều vật chất để chia sẻ với những mảnh đời còn khó khăn. Bà cho đi 1 cách tự nguyện không cần ai biết đến và cách bà làm thiện nguyện cũng không giống ai miễn sao đêm về cảm thấy nhẹ nhàng hơn: “Tôi nghĩ con người chỉ ăn chén cơm, ngủ cái giường thôi. Tôi mơ ước giúp đỡ người ta có cái nhà, số vốn làm ăn. Tôi cho mà tôi không có chừa lại cho mình nhiều. Tôi nghĩ con tôi nếu sống có đức thì sau này nó tự làm giàu chính đáng. Tôi nghĩ nếu tôi làm được 10 đồng thì tôi sẽ cho 8 đồng . Đó là tâm nguyện thật sự của tôi”

Trước đây trong 1 lần vào Bệnh viện Chợ Rẫy thăm người quen, bà Mỹ Hiền thấy cảnh 1 số người bị tai nạn giao thông vào cấp cứu nhưng không có người thân, không có tiền, lập tức bà suy nghĩ giúp họ bằng cách thuê người đứng ở cổng bệnh viện để đóng tiền viện phí khi người cấp cứu không có tiền. Sau đó nếu ai còn tiền trả lại thì bà tiếp tục hỗ trợ người khác, còn không thì cũng không sao. Hay 1 lần đọc báo thấy 1 cô gái ở Cần Thơ bị tai nạn không có tiền tháo khớp xương gây đau nhức suốt ngày đêm, sau đó bà đã cho người tìm cách liên lạc để đưa cô gái ấy lên Thành phố điều trị với chi phí hàng trăm triệu đồng. Dù đã nhiều năm trôi qua, nhưng với cô gái Nguyễn Thị Đẹp, người được phẫu thuật thành công năm ấy vẫn còn cảm phục trước việc làm của bà Trần Thị Mỹ Hiền và chính mình vẫn chưa tin rằng ở Thành phố rộng lớn này lại có người tốt đến như vậy: “Cô coi tờ báo của em thấy vậy kêu em lên TP. Mẹ con em cầm 100 triệu em không tin và mừng đến khóc”

Cách đây không lâu trong lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả năm 2018” qua lời kể và đoạn video clip của Bác sĩ Trầm Xuân Chánh, Bệnh viện Nhân ái TPHCM về việc chăm sóc các bệnh nhân HIV như chính người thân của mình từ việc chăm sóc y tế, tắm gội, vệ sinh, ăn uống. Lời kể khiến cả hội trường phải lắng lại ít giây và nhiều người trong số đó kể cả các vị lãnh đạo cũng đã xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của những người mặc áo blule trắng nơi đây.  Và sẽ càng đáng trân trọng hơn khi hàng ngày tập thể y, bác sĩ ở đây đã nhín bớt phần ăn của mình để bổ sung thêm khẩu phần ăn cho bệnh nhân được đầy đủ hơn, ngon hơn so với phần ăn theo quy định: “Chúng tôi nhìn thấy tội quá, bàn với anh em trong khoa coi bệnh nhân thèm gì cho bệnh nhân ăn cái đó, nếu mua không có thì nấu. Nhiều khi hôm trước cho ăn hôm sau bệnh nhân mất, xót xa lắm. Nhiều lúc mình lo cho cha mẹ mình còn chưa được vậy”

Nếu như trước đây nhiều quan niệm cho rằng chỉ có những người có điều kiện mới làm thiện nguyện, tuy nhiên từ thực tế tại TPHCM không hẳn là như vậy. Tại Thành phố này không kể giàu hay nghèo, đang làm công việc gì, thậm chí có những người chỉ hành nghề bán ve chai, vé số dạo, hoặc chỉ là công nhân với đồng lương ít ỏi…nhưng tấm lòng của họ thì rất đáng trân trọng và sẵn sàng cho đi. Câu chuyện về 1 thanh niên khiếm thị Hồng Huy Tỷ ở quận Bình Tân mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, nhưng đã từng tặng hơn 40 triệu đồng cho đồng bào nghèo đón tết thông qua chương trình “Sát cánh gia đình Việt” của Đài TNND TPHCM sẽ minh chứng cho điều đó: “Có ăn hàng ngày rồi, giờ mình có bao nhiêu tiên mình cũng chỉ ăn 2 bữa cơm. Nên mình quyết định đem số tiền đó chia sẻ với những người khó khăn mình cảm thấy rất vui”

Đi bất cứ nơi đâu tại TPHCM, nếu để ý chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những việc làm thiện nguyện của người dân Thành phố len lỏi trong từng con hẻm, tuyến đường từ nội thành cho đến ngoại thành, từ người khá giả cho đến người khó khăn, từ người cán bộ, công chức, hưu trí đến người dân thường…. điều có những cách làm thiện nguyện rất riêng, nhưng chung quy lại điều có chung một tấm lòng luôn quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là phẩm chất cao quý đầy tính nhân văn của người Sài Gòn xưa, TPHCM bây giờ. Trong những ngày xuân Kỷ Hợi năm nay cũng đã có rất nhiều hoạt động thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân đã và đang diễn ra để chia sẻ với những gia đình khó khăn ở mọi miền đất nước với mong muốn mọi người cùng tận hưởng cái tết thật ấm cúng, sum vầy… mà trong đó có sự chung tay sẻ chia góp sức của rất nhiều tấm lòng người dân TPHCM – Thành phố anh hùng, một thành phố năng động nhưng đầy nghĩa tình.

Ngọc Phong

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo