Ai bảo vệ hiệp sĩ đường phố - Thời sự 17g00 ngày 15/5/2018

(VOH) - Chúng ta thảng thốt, rơi nước mắt khi 2 hiệp sĩ đường phố nằm xuống vì tên trộm hung ác, mất hết tính người.

Càng xót xa hơn khi nhìn hình ảnh cháu trai 10 tuổi con hiệp sĩ đường phố Nguyễn Văn Thôi ôm di ảnh đưa cha về quê nhà Bình Định tổ chức lễ tang. Ở quê nhà, cha mẹ già của anh Thôi vật vã với nỗi đau “người đầu bạc khóc tiễn kẻ đầu xanh”, chờ đón con về để nhìn mặt lần cuối. Còn mẹ hiệp sĩ đường phố Nguyễn Hoàng Nam thì thất thần thốt lên “Nó ăn cơm xong rồi đi mãi không về'”. 3 hiệp sĩ đường phố khác đang được cứu chữa trong các bệnh viện. Mất mát, đau thương của các hiệp sĩ, của gia đình họ là quá lớn, không gì bù đắp được.

Bọn trộm trong 13 giây tích tắc đã lấy đi vĩnh viễn 2 mạng sống, làm dư luận bàng hoàng. Ngành chức năng cũng đã nhanh chóng bắt được nghi can ra tay tàn độc. Rồi đây chúng sẽ nhận những bản án thích đáng. Hậu quả chúng để lại cho gia đình và xã hội vô cùng nặng nề, khó có thể nguôi ngoai.

Hiệp sỹ đường phố

Ảnh minh họa: TTO

Nhiều năm nay, các nhóm hiệp sĩ đường phố hầu hết đều hoạt động tự phát trong phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm. Họ tự giác, tự nguyện hợp tác kết hợp thành nhóm tham gia bảo vệ, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Họ đương đầu, xả thân với tội phạm góp phần giữ sự bình yên của Thành phố nhưng trong tay không có công cụ hỗ trợ, nguy hiểm luôn chực chờ. Với tội phạm, họ chỉ có lòng can đảm và tinh thần nghĩa hiệp thấy bất bình chẳng tha. Lòng quả cảm khiến họ làm việc nghĩa trong âm thầm, không toan tính thiệt hơn và cũng chẳng cần khen thưởng, tri ân. Bởi thế, với những con người chính nghĩa ấy, vì bất bình phải ra tay nhưng lần này, đánh đổi cho hành động nghĩa hiệp là cả mạng sống. Một sự đánh đổi quá lớn.

Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm tự bảo vệ tài sản và quyền lợi của mình, Nhà nước có trách nhiệm bồi dưỡng, hỗ trợ người dân thực hiện quyền tự vệ của mình trước pháp luật. Công an luôn cần sự hỗ trợ giúp sức từ phía người dân. Tuy nhiên, điều mà dư luận đặt ra là khi sự cố xảy ra, thì các nhóm hiệp sĩ này mang danh như thế nào? Chế độ đãi ngộ chính sách ra sao? Rõ ràng đây cũng là câu hỏi rất trăn trở vì dường như từ trước đến giờ các nhóm hiệp sĩ đường phố hoạt động tự phát, chưa có  tính pháp lý cụ thể. Mặt khác, vụ việc đau lòng vừa qua đặt ra cho chúng ta thêm phần suy nghĩ trong công tác bảo vệ an ninh trật tự của Thành phố, rõ ràng rất cần sự đóng góp từ phía người dân. Tuy nhiên, sự đóng góp đó ở mức độ nào để đảm bảo an toàn cho bản thân là câu hỏi còn bỏ ngõ? Nhà nước có lực lượng chức năng để bảo vệ an ninh trật tự xã hội. Lực lượng này đang làm gì khi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, kẻ phạm tội manh động, sẵn sàng dùng hung khí tấn công, gây thương vong cho những người truy bắt? Trong vụ trộm xe trên, cơ quan chức năng cho rằng đây là nhóm trộm chuyên nghiệp. Vậy thì nhóm trộm này đã được lực lượng công an theo dõi và cảnh sát khu vực có biết trên địa bàn có nhóm trộm chuyên nghiệp hay không? Đành rằng trong xu thế chung, việc tinh gọn bộ máy có thể khiến lực lượng công an không thể đáp ứng yêu cầu so với tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy vậy, với những băng nhóm trộm cắp chuyên nghiệp, hoạt động mang tính côn đồ táo bạo như vậy tại sao chúng vẫn nhởn nhơ?

Bài học đau lòng từ vụ các hiệp sĩ đường phố bị tấn công đến thiệt mạng cho thấy rõ ràng một điều, trong phòng, chống tội phạm thì người dân tham gia phải phù hợp với khả năng, điều kiện cho phép, đúng quy định của pháp luật. Song hành theo đó phải có ngành chức năng vào cuộc, kịp thời hỗ trợ khi gặp rủi ro. Tinh thần nghĩa hiệp, cứu giúp người gặp nạn là một nghĩa cử rất cao đẹp cần phát huy trong xã hội hiện đại ngày nay. Thế nhưng, làm sao để tránh được kết cục đắng lòng như vụ việc vừa nêu mới là điều cần suy ngẫm. Suy cho cùng, phòng chống, trấn áp tội phạm là nhiệm vụ của ngành chức năng. Vì vậy, ngành công an các cấp có bổn phận phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, không thể để ai khác làm thay.

Nguyễn Quốc

VOH

Bình luận

Đọc Báo