70 năm Điện ảnh Cách mạng Nam Bộ - Thời sự 17 giờ 15/10/2017

(VOH) - Hội Điện ảnh TPHCM sáng nay đã tổ chức lễ  kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Nam Bộ.

Buổi lễ mang nhiều cảm xúc khi gợi nhớ về các chiến sỹ, nghệ sỹ điện ảnh Kháng chiến Nam Bộ đã dũng cảm, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn để tạo nên những thước phim lịch sử vô giá.

Cách đây đúng 70 năm, ngày 15/10/1947, Bộ Tư lệnh khu 8 khi đó đã ra quyết định thành lập "Tổ nhiếp - điện ảnh khu 8 trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh khu". Tổ Điện ảnh do Khương Mễ phụ trách, tập hợp nhiều nhiếp ảnh như Mai Lộc, Nguyễn Hiền, Lý Cương, Nguyễn Đảnh, Hồ Tây, Vũ Ba, Trần Nhu, Dương Trung Nghĩa…vừa là nhiếp ảnh vừa là quay phim. Như vậy, nền điện ảnh non trẻ đầu tiên đã ra đời, điện ảnh khu 8 hay còn gọi với cái tên gần gũi: Điện ảnh bưng biền.

Nhà quay phim Khương Mễ làm phim thời kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu: SGGP

Ra đời trong khói lửa, trong những ngày đầu sục sôi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Bộ, điều kiện vô cùng khó khăn, hoạt động hầu như với hai bàn tay trắng: kinh phí không có, không thiết bị, điện nước, thiếu kinh nghiệm, lại luôn bị giặc càn quét đánh phá. Nhưng các chiến sỹ điện ảnh năm xưa đã kiên cường, làm nên kỳ tích có một không hai. Bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội điện ảnh TPHCM bày tỏ: "Chúng tôi rất tự hào vì mình là lứa kế thừa, những nhà làm điện ảnh trong thời kỳ nước không có điện không có, bị địch tấn công, tiền không có mua máy móc làm điện ảnh, nhưng lại làm được và làm ra những bộ phim giá trị. Quan trọng là đưa những phim tài liệu chiếu cho đồng bào, chiến sỹ ở Đồng Tháp Mười coi. Chúng tôi mong muốn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, bộ phim giá trị lịch sử để lực lượng làm điện ảnh sau này có thể học tập"

 “Trận Mộc Hóa” của nhóm tác giả Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn quay từ tháng 8-1948, hoàn tất và chiếu cho nhân dân Ðồng Tháp Mười xem vào ngày 24/12/1948 được coi là bộ phim tài liệu điện ảnh đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Từ một nền điện ảnh sơ khai, cơ sở vật chất thiếu thốn, điện ảnh bưng biền đã cho ra đời liên tiếp những tác phẩm kinh điển có tác dụng động viên lớn lao tinh thần chống giặc của nhân dân ta như: Trận La Ban, Binh công xưởng khu 8, Chiến dịch Trà Vinh, Cầu Kè, Hết đời Đế quốc. Nhà quay phim Hồ Tây kể lại: "Cuối tháng 12/1948 là sự kiện ở Đồng Tháp Mười, thời bấy giờ không có điện, nước là nước phèn mà tổ điện ảnh thành lập và làm ra phim. Lúc bấy giờ người ta bảo rằng Việt Minh mà làm được phim thì cái gì làm cũng được, kể cả chiến thắng Pháp. Sau khi chiếu xong đồng chí Lê Duẩn nói rằng cần phải phát triển, nhân ra nhiều bản, nhiều đội chiếu để chiếu cho nhân dân, động viên quân đội".

Cố đạo diễn Khương Mễ - người anh cả của điện ảnh bưng biền - được nhân dân triều mến gọi là ông Lumie Đồng Tháp Mười (Ánh dương Đồng Tháp Mười) - đã để lại cho điện ảnh cách mạng Việt Nam nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả từ thủ công thay tự động, mà nếu không chứng kiến tận mắt, nhiều người không thể nào tin. Tráng phim thủ công bằng thùng gỗ quay tay, phơi phim trong mùng chống muỗi và bụi, hứng nước mưa thay nước ngọt. Và một cách làm cực kỳ sáng tạo, là dùng nước đá để tráng phim đã được áp dụng trong những năm tháng khó khăn ấy, cùng với việc in phim bằng máy quay phim là một sáng tạo mang dấu ấn Việt Nam, khiến những nhà làm phim trên thế giới lúc đó phải khâm phục.

Đạo diễn Xuân Phượng nhớ về chuyến đi Pháp tham dự Liên hoan phim Amiens cùng đạo diễn Khương Mễ cách đây 20 năm: "Phim của một nước trước kia đánh Pháp giờ chiếu phim chống Pháp, cũng cân nhắc về thái độ của Pháp đến xem phim, nhưng không ngờ hôm đó khán phòng không còn một chổ trống, điều đó rất đặc biệt. Và trên màn ảnh rộng 40m những thước phim 50 năm trước bắt đầu hiện lên, màn hình sáng lên, tiếng vổ tay dồn dập, hàng ngàn gương mặt hướng về anh Khương Mễ, lúc đó anh Khương Mễ nước mắt lưng tròng, lau mồ hôi trán nói rằng: thật không thể ngờ có ngày hôm nay".

Xông pha giữa lửa đạn quân thù, các chiến sỹ điện ảnh bưng biền Nam bộ đã ghi lại nhiều chiến công cách mạng, tổ chức nhiều cuộc chiếu phim rộng rãi, khích lệ được tinh thần yêu nước của đồng bào. Điện ảnh bưng biền đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình, đó là tấm gương về tinh thần trách nhiệm và lòng dũng cảm, để lại cho thế hệ hôm nay nhiều bài học quý giá về lòng yêu nghề, đức tính dám nghĩ, dám làm. NSND Trà Giang xúc động: "Những công việc tưởng như bình thường nhưng thực sự với lòng đam mê làm điện ảnh, tất cả những người đó vì sự đam mê của họ đã truyền đến tình yêu điện ảnh của chúng tôi sau này. Trong cuộc họp lần này, tôi rất muốn tặng cho những người làm công tác điện ảnh ban đầu không chỉ danh hiệu NSND, NSƯT mà danh hiệu anh hùng, họ rất xứng đáng vì nếu chúng ta không nhớ công ơn của họ thì không có người làm điện ảnh ngày nay được".

Điện ảnh bưng biền đã để lại kho tàng điện ảnh cả nước những thước phim  quý giá, đặt nền móng khai sinh ra nền điện ảnh Việt Nam. Từ 38 thành viên thuở thành lập, đến nay chẳng còn lại mấy người, tất cả đều đã già yếu, nhưng tinh thần bất khuất, bài học sáng tạo và vượt khó của Điện ảnh bưng biền luôn là động lực để đội ngũ điện ảnh thành phố tiếp tục vươn lên, tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị.

Hải Hạnh

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo