Đăng cai SEA Games 31 sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực - Thời sự 5g30 25/2/2018

(VOH) - Xung quanh Đề án đăng cai SEA Games 31, về những cơ hội và thách thức, VOH phỏng vấn ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án.

Đầu năm 2018, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về Đề án đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 tại TPHCM. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất Đông Nam Á, được tổ chức 2 năm một lần, luân phiên ở các quốc gia khu vực. Thời gian tổ chức SEA Games 31 dự kiến vào tháng 8/2021, thu hút gần 10.000 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên tham dự đại hội. Đây được xem là cơ hội nâng cao vị thế và uy tín của TPHCM, góp phần chủ động quảng bá hình ảnh TPHCM đến các nước trong khu vực và quốc tế. Xung quanh Đề án đăng cai SEA Games 31, về những cơ hội và thách thức, Phóng viên Hoàng Lĩnh phỏng vấn ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án.

VOH: TPHCM thời gian qua khẩn trương xây dựng Đề án đăng cai SEA Games 31. Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định chắc chắn TP.HCM đủ sức và đủ điều kiện trở thành chủ nhà SEA Games 31 hay chưa, thưa ông?

Ông Mai Bá Hùng: UBND Thành phố đã có Tờ trình Thủ tướng và Bộ VH-TT-DL. Ủy ban cũng có buổi làm việc với Bộ. Bộ VH-TT-DL cũng ủng hộ. Hiện nay các thủ tục đang tiến hành khá thuận lợi cho đề án này.

VOH: Đăng cai một ĐH thể thao lớn luôn là cơ hội của đơn vị chủ nhà quảng bá, giới thiệu hình ảnh, khẳng định năng lực, thúc đẩy phát triển nhưng đi kèm rất nhiều thách thức, đặc biệt là bài toán kinh phí. Đâu là những thuận lợi và khó khăn với TP khi đăng cai ĐH này, thưa ông?

Ông Mai Bá Hùng: Khó khăn lớn nhất của chúng ta là xây dựng một số công trình mới, đủ điều kiện đáp ứng đăng cai đại hội. Trong đó đề án tập trung chủ yếu vào 3 công trình trọng điểm là Khu TDTT Rạch Chiếc, trong đó tập trung sân vận động 50.000 chỗ, đáp ứng tổ chức khai mạc, thi đấu các trận quan trọng môn bóng đá, thi đấu điền kinh; Tiếp đến là Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, dự kiến là Trung tâm báo chí, thi đấu một số môn và bế mạc; Thứ 3 là khu thể thao Phú Thọ, Quận 11, dự kiến là trung tâm điều hành của BTC, cung thể thao dưới nước và tổ chức thi đấu một số môn. TP đã có những bước chuẩn bị, gọi xã hội hóa đầu tư, có nhiều đơn vị xin tham gia, đặc biệt là Khu Rạch Chiếc. Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng thì chỉ còn những bước cuối cùng để thực hiện. Phú Thọ thì việc xúc tiến khu vực cũng thuận lợi. Còn về kinh phí, chúng ta sớm xúc tiến kêu gọi nhiều nhà tài trợ cho hoạt động này, giảm bớt nguồn đầu tư ngân sách cho chi phí hoạt động.

VOH: Thưa ông, một trong những thách thức lớn nhất đối với TP.HCM là quỹ thời gian quá ít để hoàn thành việc xây dựng Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc, trong đó có sân vận động trung tâm với sức chứa khoảng 50.000 người. Cơ sở nào để TP.HCM có thể tự tin hoàn thành việc xây dựng đúng tiến độ khi mà mọi thứ ở Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc xem ra vẫn còn quá ngổn ngang?

Ông Mai Bá Hùng: Hiện nay có nhà đầu tư sẵn sàng ứng vốn giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng. Tập trung là SVĐ 50.000 chỗ. Chúng ta đang tiến hành chọn nhà đầu tư để quy hoạch 1/2000, song song đó là đền bù giải tỏa khu vực này. Đó là điều thuận lợi.

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM chính thức có hiệu lực ngày 15/1/2018 sẽ tạo thuận lợi cho thành phố quyết định chủ trương đầu tư các công trình phục vụ SEA Games 31 nói chung và sân vận động trung tâm sức chứa 50.000 chỗ tại Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc nói riêng.

Chính phủ, Bộ VH-TT-DL cũng ủng hộ TP.HCM, vì khi đăng cai SEA Games, Para Games, không chỉ phát triển cho thể thao, mà còn thúc đẩy phát triển cho tất cả các lĩnh vực liên quan như du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông, văn hóa… rồi các lĩnh vực khác. Đặc biệt là quyết tâm của Thành ủy, UBND TP trong việc này. Đầu tư cho một thành phố có chất lượng sống tốt hơn, trong đó có hoạt động văn hóa, TDTT, tôi nghĩ rằng nhân dân thành phố sẽ ủng hộ chúng ta.

VOH: TP.HCM đã tính toán một số công trình sử dụng ngân sách nhà nước sau SEA Games sẽ được phục vụ cho người dân như thế nào, để tránh bài học lãng phí như một vài nước trong khu vực?

Ông Mai Bá Hùng: Thứ nhất, chúng ta tận dụng cơ sở vật chất hiện có để cải tạo, sửa chữa, phục vụ cho đại hội. Trên thực tế, cơ sở vật chất của chúng ta đang khai thác, sử dụng rất tốt. Trong đề án, có tới 22 địa điểm để tận dụng. Chúng ta chỉ cần cải tạo, sửa chữa không lớn đã đủ điều kiện phục vụ cho SEA Games. Những việc này bình thường chúng ta vẫn phải làm để phục vụ quần chúng nhân dân.

Thêm vào đó, những nhà đầu tư bỏ vốn cho những công trình mới, người ta sẽ tính toán làm sao để khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, vừa thu hồi vốn, vừa phục vụ hiệu quả đầu tư của họ. Nên chúng tôi tin tưởng rằng sau SEA Games, những công trình của TP được đầu tư mới sẽ được tận dụng tốt.

VOH: Trong định hướng phát triển của chúng ta sẽ tập trung vào những nhóm môn ASIAD, Olympic. Nhưng ở đấu trường SEA Games nhiều năm qua, việc chạy theo thành tích ít nhiều mất đi tính fair-play, mà chính chúng ta cũng từng là nạn nhân. Khi chúng ta đăng cai SEA Games 31 thì có tính đến hướng đột phá tập trung cho nhóm môn trọng điểm, chất lượng và không bị phàn nàn chuyện thiên vị chủ nhà, thưa ông?

Ông Mai Bá Hùng: Chúng ta phải xác định quan điểm nước đăng cai cũng phải có chút lợi thế. Chúng ta sẽ theo đúng điều lệ của thể thao Đông Nam Á là 3 nhóm môn. Trong đó, điền kinh và thể thao dưới nước bắt buộc phải tổ chức. Nhóm thứ 2 chúng ta sẽ chọn 24 môn là những chương trình thi đấu Olympic, ASIAD. Nhóm thứ 3, để tạo điều kiện cho những nhóm môn còn lại có thể phát triển, hoặc những môn thế mạnh chúng ta sẽ chọn những môn thể thao có thuận lợi. Ngoài ra còn phải dành khoảng 6 môn trở lại cho các nước đề xuất, với điều kiện có ít nhất 4 nước trở lên tham gia thi đấu nội dung đó.

Theo chúng tôi, nội dung thi đấu và môn thi đấu là một phần thôi. Điều quan trọng là BTC, trọng tài phải công bằng. Khi đã thống nhất về nội dung thi đấu, môn thi đấu, thì những gì diễn ra trên sàn đấu phải công tâm, công bằng. VĐV mạnh thì chúng ta thắng, yếu thì phải chấp nhận thua, fair play trong thi đấu. Làm sao để các nước thấy rằng VN tổ chức không phải vì thành tích mà là một kỳ Đại hội rất trong sáng.

VOH: Xin cảm ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo