Quản lý đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, độc hại: Cần sự đồng hành từ phụ huynh

(VOH) - Thực trạng buôn bán đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, độc hại, không rõ nguồn gốc đang diễn ra khá phức tạp trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua.

Làm thế nào để quản lý tốt mặt hàng này đang là một bài toán khó cho các ngành chức năng, khi mà vì lợi nhuận và sự thiếu hiểu biết củ một số phụ huynh, cả người bán lẫn người mua đều góp phần vào việc “đầu độc” tâm hồn trẻ thơ. 

Phóng viên Ngọc Phong đã thực hiện cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó, Chi cục quản lý thị trường TPHCM xung quanh vấn đề này:

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó, Chi cục quản lý thị trường TPHCM

* VOH: Theo ghi nhận của chúng tôi hiện nay không khó để tìm mua những loại đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có tính bạo lực trên thị trường. Về công tác quản lý ngành hàng này thời gian qua được triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bách: Mặt hàng đồ chơi trẻ em là đối tượng kiểm tra của Quản lý thị trường. Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có mặt hàng đồ chơi trẻ em, phát hiện những doanh nghiệp, cửa hàng, kho hàng buôn bán và chứa trữ các loại đồ chơi trẻ em, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là đối với loại đồ chơi mang tính bạo lực, ảnh hưởng đến giáo dục, nhân cách của trẻ em thuộc danh mục bị Nhà nước cấm. Quản lý thị trường kiểm tra các hoạt động buôn bán, chứa trữ, nhập khẩu, vận chuyển đồ chơi trẻ em về chứng từ hóa đơn, dấu hợp quy, đăng ký kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa, nhãn hiệu.

* VOH: Vì sao những đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực vẫn được bày bán khá công khai?

Ông Nguyễn Văn Bách: Mặc dù, các Đội Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường kiểm tra đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng kinh doanh đồ chơi trẻ em bạo lực. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành của một bộ phận người kinh doanh vì ham rẻ, lợi nhuận và các bậc cha mẹ không hướng cho trẻ sử dụng các đồ chơi có ít để phát triển trí tuệ.

* VOH: Ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của những loại đồ chơi này khi đến tay trẻ em?

Ông Nguyễn Văn Bách trả lời: Theo tôi những mặt hàng đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực trẻ em khi chơi những đồ chơi này sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, bên cạnh đó những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế không đảm bảo đến sức khỏe của trẻ em.

* VOH: Trong quá trình kiểm tra xử lý có gặp khó khăn gì không? Hướng xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Văn Bách: Mặc dù, trong những năm qua Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, đồ chơi độc hại nhưng trên thị trường vẫn còn tình trạng kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi độc hại.

Hiện nay có một số đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em không nhãn mác, không rõ nguồn gốc bán trên vỉa hè trước cổng một số bệnh viện nhi, cổng trường học, công viên. Họ buôn bán không có địa điểm cố định số lượng ít, trị giá thấp khi phát hiện có cơ quan kiểm tra thì họ gom lại chạy chỗ khác hoặc chờ khi không có cơ quan kiểm tra thì bày bán, nếu có bị kiểm tra, xử phạt thì thường không thực hiện việc nộp phạt.

Bên cạnh đó, cũng có những cửa hàng báy bán xen lẫn hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ với hàng hóa có đầy đủ nhãn, có xuất xứ rõ ràng, có tem hợp quy.

Ngoài nhiệm vụ của lực lượng chức năng, thì rất cần sự phối hợp của người tiêu dùng, nếu người tiêu dùng phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem hợp quy, đồ chơi độc hại thì báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định.

* VOH: Đâu là những giải pháp hiệu quả cho công tác kiểm tra xử lý mặt hàng này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Bách: Với nhiệm vụ của Quản lý thị trường, chúng tôi thường xuyên tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát, quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, người kinh doanh cam kết không buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả; vận động người dân tố giác các hành vi buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, không tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm.

VOH

Bình luận

Đọc Báo