Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc

(VOH) - Là một người yêu nước có chí khí, có bản lĩnh, Phan Đăng Lưu tham gia cách mạng từ khi còn đi học.

Phan Đăng Lưu đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng và nhân văn. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông không chỉ sáng ngời trong sử sách mà còn gắn bó với nhiều địa phương trên đất nước ta.

Nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc Phan Đăng Lưu. Ảnh tư liệu

Phan Đăng Lưu (1902-1941) là một người học vấn uyên thâm. Ông được gia đình cho học chữ Hán trong 10 năm, từ năm lên 6 cho đến năm 16 tuổi, thuộc làu kinh sử. Chuyển sang học tiếng Pháp hơi muộn, ông học gần xong bậc Cao đẳng tiểu học thì buộc phải thi vào Trường Canh nông có lẽ vì đã lớn tuổi, không thể không kiếm việc làm giúp gia đình. Bất kỳ học ở trường nào, Phan Đăng Lưu cũng là học sinh xuất sắc.

Trong hồi ký "Nhớ nghĩ chiều hôm" xuất bản năm 1988, học giả Đào Duy Anh nhớ lại: “Phan Đăng Lưu là người đọc sách nhiều, có Hán học, lại đọc được bạch thoại. Gặp Phan Đăng Lưu tôi rất mừng được một người cộng tác đắc lực trong việc biên tập bộ sách Quan hải tùng thư”. Những năm bị đày ở nhà tù Buôn Mê Thuột, Phan Đăng Lưu bắt đầu học và chẳng bao lâu sau nắm vững tiếng Ê Đê.

Thời gian được làm báo công khai của Phan Đăng Lưu không dài, hơn 3 năm, từ khi ông được thực dân Pháp trả lại tự do vào giữa năm 1936 cho đến cuối năm 1939.

Quãng đời hoạt động của Phan Đăng Lưu với tư cách là nhà báo với nội hàm trọn vẹn của hai từ ấy như đã nói, không dài. Nhưng đó là những năm tháng gặt hái được nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho các thế hệ sau, là thời gian khuếch trương thanh thế của báo chí cách mạng, gây ảnh hưởng to lớn trong nhân dân, trước hết là trong các tầng lớp trí thức, công chức, học sinh. Tư duy báo chí cũng như phong cách tác nghiệp của ông rất đáng cho các nhà báo chúng ta ngày nay học tập, suy ngẫm, vận dụng.

Phan Đăng Lưu chủ trương và kiên trì thực hiện đường lối đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tập trung mũi nhọn vào việc đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và tay sai. Ông cùng các đồng chí đoàn kết, tập hợp các nhà báo không phân biệt quan điểm chính trị, văn hóa, miễn là họ có lòng yêu nước và tinh thần phản kháng chế độ thực dân, hoặc bất bình trước tình trạng nhiễu nhương trong xã hội.

Học tập Nguyễn Ái Quốc và quán triệt tư tưởng của Lênin về vai trò của sách báo và của văn hóa nói chung trong tiến trình cách mạng, Phan Đăng Lưu luôn tìm và tạo điều kiện để có thể sử dụng văn hóa như một phương tiện đấu tranh.

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo