Người xếp lại lịch sử

(VOH) - Trong số 7 bảo tàng hiện có ở TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đơn vị duy nhất được trang web du lịch quốc tế Tripadvisor bình chọn vào 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á, Top 25 Bảo tàng đẹp nhất thế giới. 

(VOH) - Trong số 7 bảo tàng hiện có ở TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là đơn vị duy nhất được trang web du lịch quốc tế Tripadvisor bình chọn vào 25 Bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á, Top 25 Bảo tàng đẹp nhất thế giới.

Kết quả đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, công nhân viên của Bảo tàng để từng bước tiếp cận du khách trong và ngoài nước, giúp họ tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam dưới nhiều góc nhìn khác nhau. T

Trên cương vị là Giám đốc, bà Huỳnh Ngọc Vân hiểu hơn ai hết, để khẳng định vị thế của Bảo tàng trong lòng công chúng tham quan, không gì khác hơn là phải làm sao cho các nội dung trưng bày của Bảo tàng thực sự hấp dẫn, ấn tượng trước người xem. Ở đó, các hiện vật lịch sử được xếp lại một cách khoa học, hệ thống để tất cả cùng kể về một câu chuyện của Việt Nam trong chiến tranh. 

Bảo tàng chứng tích chiến tranh  (Ảnh: Viet Fun Travel)

Hành trình đến với những danh hiệu mà các chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn của Bảo tàng chứng tích chiến tranh không hề đơn giản. Từ tên gọi ban đầu “Nhà trưng bày tội ác Mỹ, ngụy”, rồi “Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược” và cuối cùng đổi thành Bảo tàng chứng tích chiến tranh cho đến ngày nay, mỗi một giai đoạn, Bảo tàng luôn tìm những hướng đi khác nhau để tiếp cận công chúng.

Trong không gian gần 5000m2, những hiện vật lịch sử được sắp xếp theo từng cụm chủ đề: Những sự thật lịch sử; Hồi niệm; Việt Nam - Chiến tranh và hòa bình; Chất độc da cam trong chiến tranh; Tội ác chiến tranh xâm lược; Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến; Chế độ lao tù trong chiến tranh xâm lược Việt Nam… Theo bà Huỳnh Ngọc Vân, để có đầy đủ các hiện vật trưng bày, giới thiệu cho du khách, bản thân bà và cán bộ công nhân viên của Bảo tàng luôn dành thời gian nhất định để đi khắp các địa phương cả nước để tìm hiểu, thu thập tư liệu cho bảo tàng. 

Liên tục thu thập dữ liệu, đổi mới nội dung trưng bày, đó cũng là cách mà Bảo tàng “làm mới” lại lịch sử để tăng tính hấp dẫn đối với khách tham quan. Hiện nay, với gần 1,5 triệu lượt khách đến với Bảo tàng hằng năm; trong đó có 900.000 lượt khách quốc tế là một con số ấn tượng.

Doanh thu cua 7 bảo tàng trên địa bàn TP đạt 22 tỷ đồng trong năm 2016, thì riêng Bảo tàng chứng tích chiến tranh đã đạt mức 13 tỷ đồng. Để có được con số đáng tự hào đó, bảo tàng cũng trải qua một giai đoạn khó khăn.

Đó là năm 2014, khi ngân sách bị cắt đột ngột để đơn vị chuyển từ tự chủ tài tính một phần sang 100% tự chủ tài chính. Thu nhập bị giảm sút, lượng khách cũng sụt giảm. Chỉ trong thời gian ngắn 15% cán bộ công nhân viên chức đã không thể gắn bó với đơn vị. 

Bà Huỳnh Ngọc Vân

Với cương vị của mình, bà Huỳnh Ngọc Vân phải động viên tinh thần anh em yên tâm, bám trụ để từng bước “gỡ khó”. Thế nhưng, ngăn sao được khi kinh tế là bài toán quyết định giữ chân người lao động:

“Đời sống cán bộ viên chức đã giảm sút chưa từng có trong lịch sử của bảo tàng. Đến cuối năm 2014, năm đầu tiên đi vào tự chủ tài chính, đã có 10 cán bộ, viên chức người lao động đã rời khỏi đội ngũ. Chúng tôi đã mất đi một nguồn lực rất lớn trong thời gian ngắn.

Mặc dù rất buồn nhưng biết sao được vì chuyện đời sống gia đình với họ rất quan trọng. Tôi cũng không thể nào động viên suông được khi mà kinh tế cho họ không được cải thiện. Sau đó, nguồn tài chính của đơn vị dần hồi phục, đứng vững vào cuối năm 2014.

Sang năm 2015 nguồn thu sự nghiệp vượt khỏi mức ngân sách đã được cấp. Đời sống anh em ổn định. Từ đó, chúng tôi quay lại tuyển dụng những người trẻ nhiều tâm huyết, hoài bão để bổ sung vào những vị trí mà chúng tôi đã mất”.

Bằng những khóa tu nghiệp ngắn ngày với các chuyên gia bảo tàng khắp nơi trên thế giới như Pháp, Thái Lan, Austrailia, cùng những kiến thức chuyên ngành lịch sử mà bà được đào tạo ở Liên bang Nga, bà Vân đã vận dụng một cách sáng tạo với thực tế ở thành phố, xem như là hình thức để thu hút, níu giữ du khách đến với Bảo tàng.

Đó là những chương trình như chương trình “Ông bà cháu đến với bảo tàng” hướng vào nhóm đối tượng khách gia đình; “Áo dài Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” để hút du khách là giới nữ; “Một ngày làm hướng dẫn viên nhí” để hướng đến nhóm khách học sinh, thiếu nhi; “Tình yêu trong chiến tranh” dành cho lứa tuổi công chúng là thanh niên…. Hơn hết, chính bản thân bảo tàng cũng phải linh hoạt trong xã hội hóa sự nghiệp bảo tồn, bảo tàng, vận động các doanh nghiệp cùng tham gia. 

Sự năng động trong cung cách điều hành, triển khai các chương trình hoạt động khiến du khách quay lại với Bảo tàng nhiều hơn, cán bộ công nhân viên của đơn vị cũng an tâm công tác. Nguyễn Thị Thu Sương, Phòng Trưng bày tuyên truyền đối ngoại, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết: “Em thấy rằng chị Vân cũng như Ban giám đốc rất có tâm với nghề, học hỏi những kinh nghiệm của các bảo tàng trên thế giới và ứng dụng linh hoạt vào thực tệ ở cơ quan, cố gắng làm thế nào để tăng thêm thu nhập cho anh em nhân viên”.

Ông Đỗ Chí Cương, Phòng Hành chính tổng hợp nhớ lại: hơn 30 năm gắn bó với bảo tàng, năm 2014 cũng là thời điểm đáng nhớ nhất của phần lớn cán bộ công nhân viên. Triệt để tiết kiệm, phối hợp với doanh nghiệp để tìm kiếm nguồn thu là việc làm được ưu tiên hàng đầu. 

Trong khó khăn, sự động viên kịp thời của Ban lãnh đạo Bảo tàng đã tạo động lực, sự tin tưởng trong đội ngũ cán bộ công chức yên tâm công tác: “Ở đây mình xác định mục tiêu chính của Bảo tàng là phục vụ chuyên môn. Đặc biệt là tuyên truyền về hậu quả và nỗi đau chiến tranh để mọi người hiểu và ý thức dâu sắc nhất. Cũng giống như trước, khi mà chưa bán vé, thu tiền du khách, lúc nào Ban giám đốc cũng động viên anh em luôn có thái độ thân thiện, gần gũi, tận tình phục với du khách. Họ đến với Bảo tàng càng nhiều càng tốt, vì không chỉ làm nhiệm vụ kinh tế thôi mà đó là hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình”.

Bản thân lịch sử đã là những câu chuyện sống động. Ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh, những hiện vật, những tư liệu lịch sử quý giá được sắp xếp một cách khoa khoa, tự nó đã kể lại những câu chuyện xúc động nhất, ám ảnh nhất đối với người xem. Để rồi, mỗi du khách khi đến đây đều cảm thấy hài lòng, thấu hiểu một cách đầy đủ những năm tháng chiến tranh mà dân tộc Việt Nam đã trải qua. Rồi một truyền mười, mười truyền trăm. Để rồi mọi du khách khi đến với TPHCM đều muốn một lần đặt chân với Bảo tàng chứng tích chiến tranh để thấy, để nghe những hiện vật lên tiếng.

Tất cả như những trang sách lịch sử sống động, ngắn gọn mà dễ hiểu, cũ rồi nhưng như mới hôm qua. Đó có thể là những câu chuyện “Ám ảnh” đối với nhiều người về nỗi đau và tội ác chiến tranh. 

Hơn 1,4 triệu lượt khách, doanh thu 13 tỷ đồng/năm là những thành công bước đầu. Thành công đó là nỗ lực rất lớn của tất cả cán bộ, công nhân viên chức của Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nhưng hơn hết là vai trò của người đứng đầu - Giám đốc Bảo tàng, bà Huỳnh Ngọc Vân.

Bằng những việc làm thiết thực đó, năm 2016, bà Huỳnh Ngọc Vân đã nhận được Bằng khen của Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, UBND TPHCM, Sở Văn hóa Thể thao về đóng góp đối với hoạt động bảo tồn, di sản; là tấm gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được báo cáo thành tích 3 năm liền của chi bộ Bảo tàng chứng tích chiến tranh trong khối Di sản, Sở Văn hóa Thể thao TPHCM.

Đông Huyền 

Bình luận

Đọc Báo