Không cứ phải là đảng viên

(VOH) - Bác Hồ từng nói: Không cốt cứ là đảng viên, vấn đề là có tư tưởng yêu nước thương dân, có nhiệt tình cách mạng, có phương pháp làm việc đúng, công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ...

(VOH) - Bác Hồ từng nói: Không cốt cứ là đảng viên, vấn đề là có tư tưởng yêu nước thương dân, có nhiệt tình cách mạng, có phương pháp làm việc đúng, công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ... (Theo Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh)

Sau ngày 19/5/1945, cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thành lập, Bác Hồ được cử làm Chủ tịch. Bác đã mời nhiều nhà nhân sỹ, trí thức có tâm huyết với đất nước tham gia Chính phủ. Tiến sỹ văn khoa, cử nhân luật học Nguyễn văn Huyên lúc đó còn rất trẻ, mới có 37 tuổi, nhưng là nguời có tư tưởng tiến bộ và rất có tâm huyết với vận mệnh của đất nước, đã được Bác Hồ mời tham gia Chính phủ, giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ (sau đó ông được Chính phủ giao giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục).

Thời gian này, Bác Hồ phát động phong trào “diệt giặc dốt”, ông Huyên cũng được Bác Hồ tin tưởng, giao cho phụ trách việc tiến hành phong trào “diệt giặc dốt” trong lĩnh vực văn hoá giáo dục.

Lúc đó cả nước có tới trên 90% dân số mù chữ. Số cán bộ giáo dục vừa thiếu vừa yếu. Những người làm công tác dạy học, các thầy cô giáo lại càng ít, mà đào tạo cấp tốc cũng không kịp cung cấp đủ nhu cầu. Ông Nguyễn Văn Huyên vô cùng lo lắng nên đến xin ý kiến Bác. Bác nói: chú cứ cố gắng lên, có Chính phủ hỗ trợ, cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không lo.

Nghe lời Bác, ông Nguyễn Văn Huyên đã hết sức có gắng chỉ đạo, đôn đốc phong trào. Với sự hăng hái của tuổi trẻ, sự nhiệt tình và tài năng của một trí thức có tư tưởng mới, cuối cùng ông đã lãnh đạo cơ quan làm rất tốt công việc được giao. Phong trào bình dân học vụ ngày càng phát triển, nhân dân thi đua nhau tạo thành phong trào “nhà nhà đi học, người nguời đi học”. Bác Hồ rất hài lòng trước phong cách làm việc của ông Bộ trưởng Bộ giáo dục trẻ tuổi và đã có lần nêu tên ông như một tấm gương cho mọi người noi theo.

Tuy nhiên, vì ông Huyên chưa phải là đảng viên nên cũng có người nói ra nói vào, cho rằng phải là đảng viên với có thể lãnh đạo được quần chúng. Nghe vậy ông Huyên tỏ ra rất băn khoăn, suy nghĩ nhiều và đã đi đến quyết định xin thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với lý do ông chưa phải là đảng viên nên xin để người khác giữ chức vụ quan trọng này.

Nghe thấy phản ánh điều này, Bác Hồ ngay lập tức đến gặp trực tiếp ông Huyên và nói: Chú đã làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ phải là đảng viên thì mới làm việc hiệu quả. Vấn đề cốt yếu là có tư tưởng yêu nước thương dân, có phương pháp làm việc đúng, nhiệt tình và công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chú có đủ những yếu tố đó, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà Chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân vì nước. Nghe lời Bác, ông Huyên lại tiếp tục hăng hái làm việc, giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục mãi cho đến cuối đời, và suốt đời ông đã làm việc rất tốt.

Năm 1960, chi bộ văn phòng Bộ Giáo dục nhất trí giới thiệu và kết nạp ông Nguyễn Văn Huyên vào Đảng. Đề nghị kết nạp đã được Đảng uỷ cơ quan Bộ giáo dục và Đảng uỷ Văn phòng Trung ương đồng ý. Nhưng khi thông qua Ban Bí thư thì chính Bác Hồ đã góp ý: Để chú Huyên ngoài Đảng sẽ có lợi hơn là trong Đảng.” Ý kiến của Bác mọi người đều hiểu và nhất trí, vì vậy việc kết nạp ông Huyên đã không tiến hành.

Nghe tin này, bản thân ông Huyên rất xúc động. Hơn ai hết ông rất hiểu tấm lòng của lãnh tụ đối với ông, cũng như đối với những trí thức cùng thế hệ với ông, những người tuy không phải là đảng viên nhưng đã suốt đời làm việc tận tuỵ vì dân vì nước.

VOH

Bình luận

Đọc Báo