Chủ tịch Võ Chí Công suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng

(VOH) - "Chủ tịch Võ Chí Công là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

(VOH) - "Chủ tịch Võ Chí Công là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", trích diễn văn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. (Theo Những chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - NXB Văn hóa Văn nghệ)

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công thăm hỏi nhân dân tỉnh Hà Tuyên năm 1991. Ảnh: M.Điền/SGGP

Chủ tịch Võ Chí Công, tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Giác ngộ cách mạng từ sớm, người thanh niên yêu nước, giàu nhiệt huyết cách mạng đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, lãnh đạo nhân dân Quảng Nam giành chính quyền cách mạng năm 1945.

Kinh qua nhiều chức vụ, cũng như tham gia nhiều chiến trường, dù ở cương vị nào, Chủ tịch Võ Chí Công luôn là người cán bộ kiên trung, người lãnh đạo tài tình cùng quân và dân miền Nam vượt qua muôn vàn hy sinh gian khổ, cùng quân và dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi hoàn toàn, thu non sông về một mối.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng và Nhà nước cử giữ nhiều trọng trách: Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách Khu V. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội V, đồng chí được bầu làm Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản (1976); Phó thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban cải tạo nông nghiệp miền Nam (1978), Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1986). Tháng 4-1987, đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (tháng 6-1991) và khóa VIII (tháng 6-1996).

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trên mọi cương vị công tác, Chủ tịch luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng, tìm tòi, đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến nhân dân, đồng chí đã đưa ra những ý kiến quan trọng, góp phần vào việc ra đời Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IV “Về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”.

Đây là một bước đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp nói riêng và của sự nghiệp đổi mới nói chung, trong đó dấu ấn cá nhân của đồng chí Võ Chí Công là rất đậm nét. Phát huy kết quả đó, Bộ Chính trị giao cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu vấn đề khoán trong nông nghiệp, làm cơ sở cho sự ra đời Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (10-1988).

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp, hệ thống luật pháp; cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Võ Chí Công là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo