Ngành XK trước cơ hội Hiệp định thương mại tự do-Liên minh châu Âu (kỳ 1) – Thời sự 5g30 24/07/2019

(VOH) - Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký kết Hiệp định thương mại tự do. Khi có hiệu lực, Hiệp định này ngay lập tức sẽ gỡ bỏ 85,6% số dòng thuế.

Đây sẽ là cơ hội gia tăng sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam tại thị trường quan trọng này.

Theo dự kiến, lộ trình gỡ bỏ thuế quan đối với đa phần ngành vẫn cần thời gian khá dài, trừ một số ngành chủ lực có tỷ trọng lớn như thủy sản và dệt may. Hiệp định thương mại do được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, đem lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, phần lớn hàng rào thuế quan sẽ được gỡ bỏ giúp hàng hóa, sản phẩm Việt Nam dễ dàng tiếp cận vào khu vực thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng với quy mô dân số hơn 500 triệu người, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. Liên minh châu Âu cũng là khu vực có hoạt động thương mại sôi động với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 3.800 tỷ đô la Mỹ. Việc tiếp cận khu vực thị trường phân khúc cao như Liên minh châu Âu là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cọ xát, nâng cao năng lực quản trị, trình độ kinh doanh, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và sự minh bạch về thông tin.

Để hiểu rõ hơn Hiệp định này sẽ mang lại những cơ hội nào cho doanh nghiệp xuất khẩu (XK) Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may – ngành hàng được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất, mời quý vị nghe kỳ 1 của tọa đàm: “Ngành xuất khẩu trước cơ hội Hiệp định thương mại tự do - Liên minh châu Âu” với các vị khách mời: Tiến sĩ Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh.

VOH: Thưa các vị khách mời! EVFTA sẽ mang lại những cơ hội lớn về phát triển thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là xuất khẩu. Đánh giá về những cơ hội, lợi thế này, xin được nghe ý kiến chia sẻ của các vị khách mời. Xin mời Tiến sĩ Võ Trí Thành:

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế giao thương đầu tư giữa hai bên. Ở Việt Nam, người ta nói nhiều nhất là thúc đẩy xuất khẩu thương mại. Tôi thì muốn nhấn mạnh không chỉ câu chuyện không chỉ xuất khẩu, thương mại, mặc dù tất có ý nghĩa với lĩnh vực này mà còn tác động rất nhiều đến hoạt động kinh doanh, kinh tế khác. Thứ hai, cùng với hội nhập sâu rộng của Việt Nam, ký kết, thực thi rất nhiều EVFTA, Việt Nam sẽ trở nên nơi, địa điểm hấp dẫn đối với thu hút đầu tư. Đặc biệt là đầu tư có chất lượng hơn. Đó là một phần của chiến lược đầu tư. Thứ ba, đây là hiệp định có ý nghĩa rất cao, theo nghĩa nào đó thì nó cũng như CPTPP, đặc biệt liên quan rất nhiều đến những cam kết phía sau đường biên giới: Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, thị trường lao động, thị trường mua sắm chính phủ… Tất cả những cái đó tạo sức ép, có thể là chất xúc tác cho Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế, làm môi trường kinh doanh tốt hơn, chi phí doanh nghiệp giảm và Việt Nam càng hấp dẫn hơn cho đầu tư. Cuối cùng, Việt Nam vừa tìm kiếm những thuận lợi hóa môi trường, thị trường lớn để tiếp cận nhà đầu tư có chất lượng. Đây cũng là cách để Việt Nam đa dạng hóa thị trường.

VOH: Dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại Tự do - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Việt Nam chính thức có hiệu lực. Theo đó trong vòng 7 năm mức thuế hiện hành (15%) sẽ được xoá bỏ dần về 0%. Ông Phạm Xuân Hồng phân tích thêm về cơ hội, lợi thế của ngành hàng này?

Ông Phạm Xuân Hồng trả lời: EU là thị trường đứng thứ hi sau Mỹ. Mỗi năm chúng ta xuất qua đó trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đó là điều mà doanh nghiệp rất quan tâm và rất phấn khởi khi Hiệp định này đã ký giữa Châu Âu với Việt Nam. Mỗi năm, chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu sang EU khoảng 15%. Theo chúng tôi đánh giá, các doanh nghiệp xác định được nhờ lợi thế là thuế nhập khẩu vào Châu Âu giảm từ 17% xuống 0%. Đây là một lợi thế rất lớn. Nhưng làm sao khai thác được lợi thế này là một vấn đề. Nhưng đó là sự bắt buộc và áp lực đối với các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam, trong đó có TPHCM. Chúng tôi tin rằng, với lợi thế này, sẽ thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài gắn kết với doanh nghiệp Việt Nam để chúng ta có thể nâng tăng trưởng xuất khẩu kim ngạch vào thị trường Châu Âu. Đó là hướng mà tôi tin rằng, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu qua châu Âu tăng mạnh, nhưng 2020-2025 kim ngạch có thể tăng từ 20-25%.

VOH: Hiệp định Thương mại Tự do - Liên minh châu Âu (EVFTA) được kỳ vọng mang đến những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng có nhiều thách thức. Vừa rồi các vị khách mời đề cập đến cơ hội, vậy những thách thức đi kèm đó là gì? Xin mời Tiến sĩ Võ Trí Thành.

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Chúng ta phải hiểu chúng ta với EU không chỉ là Hiệp định thương mại tự do. Tức là Luật chơi, có luật cam kết, ràng buộc. Việt Nam với EU còn là quan hệ đối tác chiến lược hợp tác, trong hợp tác có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm sao tận dụng tốt sự hợp tác này. Chơi bằng cả Luật và bằng cả trái tim. Đó là những thách thức và những điều mà doanh nghiệp cần quan tâm để tận dụng tốt nhất hiệu quả tác động tích cực, giảm thiểu phí tổn trong quá trình thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất khẩu.

VOH: Ở lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may, thách thức mà lĩnh vực này gặp phải đó là gì xin được nghe ý kiến của ông Phạm Xuân Hồng?

Ông Phạm Xuân Hồng: Như Tiến sĩ Võ Trí Thành trình bày, dệt may cũng vậy, bên cạnh thuận lợi như: Thuế suất giảm, đầu tư nước ngoài liên kết với nhau, nhưng bên cạnh đó sẽ có thách thức không nhỏ. Trong hiệp định EVFTA thoáng hơn quy định về xuất xứ của CPTPP, chỉ từ dệt vai sang may mặc thôi, nhưng hiện nay nguồn cung ứng về vải, nguyên liệu của chúng ta đang còn rất thấp. Chúng ta phải nhập khẩu 30%, trong 70% còn lại, chúng ta khai thác chưa nhiều và phục vụ cho thị trường Châu Âu không lớn lắm.

VOH: Xin cảm ơn các vị khách mời.

______________________

Việt Nam cần cải cách những gì để Hiệp định thương mại tự do - Liên minh châu Âu phát huy tối đa và đạt hiệu quả nhất? Doanh nghiệp Việt cần làm gì để bước vào “sân chơi lớn” này? Mời quý vị đón nghe kỳ 2 của tọa đàm trong chương trình thời sự sáng 25/7.

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo